• Zalo

VietinBank đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho vùng ĐBSCL

Kinh tếThứ Sáu, 07/11/2014 10:50:00 +07:00Google News

(VTC News) - Dư nợ của VietinBank tại khu vực kinh tế quan trọng này đã lên tới 31.000 tỷ đồng, chiếm hơn 12% thị phần toàn vùng.

(VTC News) - Chủ động kết nối khách hàng, tích cực đáp ứng tối đa nhu cầu vốn và sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng để phát triển nông nghiệp nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến nay dư nợ của VietinBank tại khu vực kinh tế quan trọng này đã lên tới 31.000 tỷ đồng, chiếm hơn 12% thị phần toàn vùng.

Hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long

Tại đồng bằng sông Cửu Long, đến nay mạng lưới của VietinBank đã mở rộng lên 18 chi nhánh, 100 phòng giao dịch và 154 máy ATM.

Tính đến cuối tháng 10/2014, dư nợ của VietinBank tại khu vực là 31.000 tỷ đồng, chiếm thị phần trên 12%. VietinBank đã đầu tư khoảng 500 dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm khu vực với mức tổng đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn như: Nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản xuất khẩu, sản xuất lương thực,…


Bên cạnh đó, VietinBank còn là ngân hàng đầu mối quản lý, phục vụ các dự án do ADB và WB tài trợ như: Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (1.260 triệu USD); dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long (160 triệu USD); dự án Xây dựng đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây (410 triệu USD),…

Việc tài trợ các dự án lớn trong vùng, kết hợp với các chương trình tín dụng phù hợp của VietinBank đã góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khuyến khích sản xuất trong nước, gia tăng xuất khẩu, hạn chế nhập siêu… Các chương trình này đã giúp nhiều doanh nghiệp và cá nhân ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận được với nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của VietinBank và của Ngân hàng Nhà nước.

Giám đốc VietinBank Sầm Sơn Lê Văn Dũng ký kết hợp đồng tín dụng theo chương trình cho vay thí điểm. 

Đi đầu triển khai nhiều chương trình tín dụng mục tiêu

VietinBank đã chủ động, kịp thời đưa nguồn vốn phục vụ phát triển Nông nghiệp Nông thôn tại khu vực được Chính phủ khuyến khích như: Cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, cho vay trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo hè thu/đông xuân hàng năm… Một số chi nhánh VietinBank tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn đẩy mạnh cho vay các xã điểm xây dựng nông thôn mới, cho vay các xã biên giới,…

Ngay trong tháng 10/2014, VietinBank đã triển khai chương trình “Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp” theo Quyết định 1050/QĐ-NHNN, cho vay tài trợ các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị Quyết 14/NQ-CP.

Đặc biệt, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được VietinBank tích cực triển khai giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế.

Thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục ban hành một loạt sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế và hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Gói sản phẩm dành cho các doanh nghiệp thủy sản, sản phẩm cho vay vốn kinh doanh trả nợ linh hoạt dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ,…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuỗi cung ứng, giữa nhà phân phối và nhà cung cấp, VietinBank là ngân hàng Việt Nam đầu tiên cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng online nhằm hỗ trợ cho các chuỗi liên kết giá trị giữa người nông dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn một cách nhanh nhất. Có thể nói, tập trung vào chuỗi cung ứng giá trị là hành động thiết thực của VietinBank trong việc khơi thông nguồn vốn tín dụng, cung cấp các sản phẩm tài chính ngân hàng toàn diện đến khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Đáp ứng vốn cho doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long


Ngày 28/5/2014, Thống đốc nông nghiệp nông thôn đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-nông nghiệp nông thônquy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó, 19 dự án tại 16 tỉnh/thành với tổng nhu cầu vốn vay dự kiến là 1.926,34 tỷ đồng đã được Thống đốc phê duyệt cho vay thí điểm (đợt 3).

Tại Hội thảo “Vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long” trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - MDEC Sóc Trăng 2014 tổ chức vào ngày 6/11 vừa qua, VietinBank Sầm Sơn và Công ty cổ phần Công Nông nghiệp Tiến nông đã ký kết hợp đồng cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp đối với “Phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hàng hoá” trị giá 138 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với dự án vay thuộc chương trình thí điểm được áp dụng là 7%/năm.

Để hỗ trợ cho tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long ngày càng đạt được những kết quả mạnh mẽ, VietinBank cam kết tiếp tục đáp ứng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long, không ngừng đổi mới hoạt động cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ phù hợp với đặc điểm vùng miền, đặc thù của từng ngành nghề, khách hàng; đồng thời cải tiến sản phẩm theo hướng giảm thiểu thủ tục, tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận tiện, nhằm giúp các doanh nghiệp, hộ dân phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hạnh Dung
Bình luận
vtcnews.vn