• Zalo

Vietcombank: Ứng dụng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng sáng tạo và hiệu quả

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 17/10/2024 09:48:06 +07:00Google News
(VTC News) -

Với tinh thần tiên phong, Vietcombank đã và đang trở thành đơn vị đi đầu trong hành trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Chuyển đổi số ngày nay đã trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp trên toàn cầu và có tác động quan trọng đến tăng trưởng GDP quốc gia, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Vietcombank: Ứng dụng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng sáng tạo và hiệu quả - 1

Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng

Tại Việt Nam, chuyển đổi số được xem là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII.

Tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và nhiều văn bản quan trọng khác, đóng vai trò kim chỉ nam, định hướng cho việc tiếp cận với cách mạng 4.0 và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn "Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp".

Vietcombank: Ứng dụng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng sáng tạo và hiệu quả - 2

Tại đây, ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước.

Từ đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao nhiệm vụ về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng hướng tới việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia; ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Theo đó, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN ngày 4/12/2020 cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến không cần đến điểm giao dịch.

Ngày 11/5/2021, Thống đốc NHNN ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và ngày 13/1/2022, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Đây là những văn bản quan trọng cho hoạt động chuyển đổi số của ngành.

Vietcombank: Ứng dụng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng sáng tạo và hiệu quả - 3

Tại sự kiện “Chuyển đổi số” ngành Ngân hàng vào tháng 5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Chính phủ, Thủ tướng luôn xác định và rất kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số và ngành Ngân hàng có cơ sở, điều kiện, nền tảng để phát huy vai trò này”. Đồng thời, Thủ tướng cũng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của ngành Ngân hàng góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Có thể nói, chuyển đổi số là cơ hội lịch sử đối với Việt Nam để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu đến năm 2025 vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển, đạt thu nhập trung bình cao.

Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Năm 2025 sẽ là năm thứ 5 Việt Nam triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra trong ‘Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’ được Thủ tướng phê duyệt tháng 6/2020.

Vietcombank nỗ lực chuyển đổi số giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng.

 Vietcombank nỗ lực chuyển đổi số giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Vietcombank - Xây dựng nền tảng số vững chắc trong hành trình mới 

Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Vietcombank tự hào luôn là ngân hàng tiên phong và đi đầu ở hầu hết mọi lĩnh vực trong ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam.

Với mục tiêu chiến lược đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 là tiếp tục khẳng định vị trí số 1 tại Việt Nam, đứng trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, Vietcombank đề ra kế hoạch hành động chuyển đổi số với mục tiêu cụ thể, có lộ trình rõ ràng nhằm từng bước nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng hiệu quả, chất lượng hoạt động.

Vietcombank đã sớm nhận ra vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số và coi đây là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của ngân hàng trong tương lai.

Ngay từ năm 2018, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên thuê tư vấn nước ngoài xây dựng chiến lược Chuyển đổi số và chiến lược này đang được thực thi mạnh mẽ. Các SPDV số ra mắt liên tục trong những năm qua, cùng với quá trình nâng cấp trải nghiệm khách hàng một cách mạnh mẽ chính là những thành quả bước đầu của quá trình đẩy mạnh chiến lược Chuyển đổi số tại Vietcombank.

Một trong những bước chuyển mình đầu tiên và trọng yếu trong quá trình chuyển đổi số của Vietcombank chính là đưa vào vận hành thành công Hệ thống ngân hàng lõi mới (Core Banking Signature) áp dụng từ đầu năm 2020. Hệ thống mở ra khả năng xử lý đa dịch vụ với cơ sở dữ liệu tập trung, tốc độ xử lí giao dịch nhanh và theo thời gian thực 24/7.

Công nghệ này giúp ngân hàng dễ dàng phát triển sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, quản lý nội bộ hiệu quả và quản trị tốt hơn các rủi ro về thị trường, tín dụng, thanh khoản hay rủi ro tác nghiệp.

Cũng trong năm 2020, Vietcombank đưa vào vận hành các dự án công nghệ phục vụ quản trị nội bộ cũng như tối ưu hóa nguồn lực như: Phân tích lợi nhuận đa chiều MPA, Quản trị nguồn nhân lực HCM, Kinh doanh vốn Treasury, Quản lí Tài sản Nợ ALM.FTP, Công cụ tài chính IFRS9… là các hệ thống quản trị điều hành đảm bảo chuẩn mực, hiệu quả, đúng thông lệ quốc tế.

Song song với việc phát triển sản phẩm, các yếu tố bảo mật, an toàn khi giao dịch trên nền tảng số cũng được chú trọng. VCB Digibank ra mắt hồi tháng 7/2020, là nền tảng số dành cho khách hàng cá nhân trên cơ sở hợp nhất 2 hệ thống ngân hàng điện tử của Vietcombank là Internet Banking và Mobile Banking cũng như hoàn thành triển khai Ngân hàng số cho Khách hàng doanh nghiệp qua hệ thống PCM.

VCB Digibank cung cấp các trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử như máy tính (PC/Laptop) và thiết bị di động (điện thoại/tablet) với lượng giao dịch hàng triệu giao dịch một ngày đem lại sự thuận tiện nhanh chóng cho khách hàng cũng như hiệu quả kinh doanh cho Ngân hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hạn chế các kênh giao dịch trực tiếp tại Ngân hàng.

VCB Digibank trang bị hàng loạt công nghệ xác thực đăng nhập và giao dịch hiện đại như Nhận diện khuôn mặt, Cảm biến vân tay, Push Authentication với nhiều lớp tăng cường bảo mật và tùy chỉnh cho khách hàng, SmartOTP tích hợp.

Nền tảng này cung cấp trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử như máy tính và thiết bị di động với quy mô hàng triệu giao dịch một ngày.

Không những vậy đây còn là một bước đi kịp thời thích ứng với chủ trương thanh toán không tiếp xúc trong thời kì đại dịch, đem lại kết quả thiết thực cho mục tiêu Chuyển đổi số trong Ngân hàng. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 3 tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực.

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.

Đến nay, Vietcombank là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong hoạt động thanh toán số với quy mô gần 20 triệu khách hàng; gần 10 triệu người dùng ngân hàng số; tổng số lượng thẻ phát hành gần 18 triệu thẻ; gần 105.000 đơn vị chấp nhận thanh toán POS, Ecom thẻ; tỷ trọng giao dịch trên kênh số 97%; doanh số thanh toán chiếm 23% thị phần.

Trung bình mỗi ngày, Vietcombank xử lý hơn 4 triệu giao dịch với giá trị gần 34.000 tỷ đồng.  Các đối tác tiêu biểu trong lĩnh vực thanh toán số của Vietcombank đa dạng trong hầu hết các ngành, nghề, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng triển khai công cụ tương tác trực tiếp qua trợ lý ảo VCB Digibot giúp chăm sóc khách hàng trên kênh website và fanpage. Thay vì phải đến các điểm giao dịch hoặc gọi đến tổng đài viên, người sử dụng có thể chat trực tuyến với trợ lý ảo bằng tiếng Việt để được hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin, giải đáp các vướng mắc khi sử dụng sản phẩm dịch vụ.

Thành tựu nổi bật khác là vào tháng 7/2021, Vietcombank phát triển thành công Hệ thống VCB CashUp - Hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền hiện đại, toàn diện đầu tiên tại Việt Nam dành cho khách hàng doanh nghiệp cao cấp với các gói giải pháp tổng thể và ưu việt.

Với ngân hàng hợp kênh Omni-channel, VCB CashUp được thiết lập với giao diện thông minh trên các thiết bị công nghệ, đem lại trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng, đồng thời, đáp ứng nhu cầu quản lý đa tầng, đa phương, phục vụ tổng thể cho cả hệ sinh thái của doanh nghiệp.

Tháng 8/2023, Vietcombank chính thức giới thiệu đến chủ thẻ Visa Apple Pay, một phương thức thanh toán an toàn, bảo mật và riêng tư hơn giúp khách hàng tránh việc đưa thẻ thanh toán cho người khác, chạm vào các nút thanh toán vật lý hoặc trao đổi tiền mặt — và sử dụng iPhone để bảo vệ mọi giao dịch.

Ngày 1/7/2024, thực hiện quyết định số 2345/QĐ-NHNN về việc “Triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng”, bắt buộc áp dụng tính năng sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền hoặc nạp tiền ví điện tử với số tiền trên 10 triệu đồng.

Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên áp dụng việc xác thực sinh trắc học thông qua kết nối app-to-app giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID (bên cạnh giải pháp sử dụng căn cước công dân gắn chip và điện thoại có kết nối NFC như đã triển khai), giúp khách hàng có thêm lựa chọn về hình thức cập nhật thông tin sinh trắc học, tăng cường công tác phòng chống gian lận, lừa đảo trong các giao dịch điện tử.

Vietcombank cũng đồng thời trình diễn ứng dụng xác thực sinh trắc học bằng dữ liệu khuôn mặt (Facepay) theo quy định mới của NHNN, giúp tăng cường công tác phòng chống gian lận, lừa đảo trong các giao dịch điện tử.

Việc Vietcombank đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ thanh toán và công nghệ hội thoại tương tác với khách hàng chính là minh chứng tiêu biểu trong hành trình hiện thực mục tiêu số hóa của thương hiệu ngân hàng Việt, từng bước vươn tầm khu vực và thế giới. Liên tiếp các giải thưởng lớn đến với Vietcombank như minh chứng hùng hồn nhất về những cố gắng không mệt mỏi của Ngân hàng đối với hành trình chuyển đổi số.

Kể từ khi ra mắt từ giữa năm 2020 đến nay, ứng dụng Ngân hàng số VCB Digibank của Vietcombank liên tục nhận được nhiều giải thưởng lớn của các tổ chức đánh giá uy tín trong nước và trong khu vực, tiêu biểu như giải thưởng Ứng dụng Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam 2020 do The Asian Banker trao tặng.

Năm 2021, The Asian Banker tiếp tục đánh giá Vietcombank với giải thưởng kép “Ngân hàng được quản trị tốt nhất trong đại dịch Covid-19” và “Lãnh đạo xuất sắc trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 tại Việt Nam”.  Top 50 thương hiệu dẫn đầu (Forbes Việt Nam); Doanh nghiệp lớn ứng dụng CNTT hiệu quả nhất do Bộ Thông tin và Truyền thông bình chọn; giải thưởng Sao Khuê 2022 (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA).

Trong bảng xếp hạng Brand Finance Banking 500 Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất trên toàn cầu năm 2024 vừa được công bố, Vietcombank đứng thứ 133/500, tăng 4 bậc so với năm 2023, Vietcombank vẫn là ngân hàng Việt có giá trị thương hiệu cao nhất được xếp hạng toàn cầu năm 2024.

Với quyết tâm và nỗ lực, bản lĩnh và trí tuệ của gần 23,5 nghìn cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống cùng với bề dày văn hóa “Tín - Chuẩn - Mới - Bền - Nhân” liên tục được bồi đắp qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Vietcombank quyết tâm tiếp tục nắm vững “chìa khóa vàng” của cách mạng công nghiệp 4.0, đón đầu xu thế công nghệ, hành động quyết liệt, từ đó duy trì tăng trưởng và củng cố vị thế dẫn đầu trong hành trình chuyển đổi số của Vietcombank trong một nền kinh tế năng động và nhiều biến động, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. 

VCB News
Bình luận
vtcnews.vn