Ngày 29/3, tại hội thảo “Kinh tế số và Chính sách an ninh mạng Việt Nam”, chuyên gia Nguyễn Quang Đồng trình bày kết quả nghiên cứu của Viện về “Kinh tế số và an ninh mạng ở Việt Nam – Những thách thức chính sách”.
Theo ông Đồng, những năm gần đây, rủi ro an ninh, an toàn thông tin gia tăng đáng kể trên tất cả các phương diện: các rủi ro mới, số lượng vụ việc và mức độ thiệt hại...
Hãng bảo mật Kaspersky cho biết, năm 2017 có trên 35% người dùng Internet Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng, xếp thứ 6 thế giới.
Số liệu từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam – VNCERT và Bkav cho hay, trong năm 2017, Việt Nam bị đe dọa bởi 10.000 vụ tấn công mạng, gây thiệt hại khoảng 12.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho biết, nhận thức của người sử dụng Internet và công nghệ vẫn tương đối thấp dù Luật An toàn thông tin mạng được thông qua năm 2015 và có hiệu lực năm 2016.
Trong số hơn 50 triệu người sử dụng Internet thì có 35,01% người dùng có khả năng bị tấn công, tỷ lệ người dùng dịch vụ ngân hàng điện tử ở Việt Nam bị tấn công mạng là 2,4%.
“Điều đó cho thấy, nhận thức của người sử dụng cũng như của các nhà lập pháp vẫn còn hạn chế về an ninh mạng, an toàn thông tin.
Bản thân người sử dụng các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội không nhận thức được mức độ nguy hiểm của các hành vi tấn công trên mạng, không trang bị các kiến thức cơ bản về việc bảo vệ an toàn các tài khoản cá nhân như tuân thủ các yêu cầu về bảo mật”, đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông nhận định.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng: “Bên cạnh lợi ích to lớn không thể phủ nhận đó, những thành tựu của CNTT và các dịch vụ, ứng dụng trên không gian mạng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin”.
Chia sẻ kinh nghiệm của Canada trong vấn đề đảm bảo an ninh mạng, bà Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Canada là một trong những Chính phủ áp dụng những chính sách, biện pháp an ninh mạng sớm nhất.
“Chúng tôi áp dụng các công cụ bảo mật được áp dụng cho mọi người, tất cả các thực thể tại Canada. Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng nền kinh tế số, không gian mạng cũng là một cơ hội cho giới tội phạm”, bà Ping Kitnikone nói.
Bà Ping Kitnikone cũng cho hay, những cuộc tấn công mạng không chỉ diễn ra ở Canada mà cả ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác bao gồm cả Việt Nam.
Tại Canada, theo thông tin từ Cơ quan đăng ký Internet của Canada, những cuộc tấn công mạng lớn nhất thường diễn ra vào ban đêm và thậm chí điều này còn phổ biến hơn tại Mỹ.
Phòng Thương mại Canada đưa ra báo cáo cho rằng, 71% tấn công mạng trong khoảng 2 năm gần đây là nhằm vào các doanh nghiệp.
Bà Ping Kitnikone khuyến nghị: “Vì thế, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế số, Việt Nam cần tìm được một điểm cân bằng giữa việc thúc đẩy phát triển kinh tế số với việc áp dụng các chính sách an ninh mạng.
Tiềm năng của kinh tế số rất lớn, do đó Việt Nam cần có những nỗ lực để thúc đẩy, tối ưu hóa nguồn lực này, nhưng đồng thời song hành với đó cũng cần quan tâm đến vấn đề an ninh mạng”.
Trình dự thảo Luật An ninh mạng ra Quốc hội vào tháng 5/2018
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật An ninh mạng. Căn cứ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đã phối hợp với Thường trực Ban soạn thảo cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý.
Theo chương trình, dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018).
Đến nay, dự thảo Luật đã được chỉnh lý về cơ bản, tuy nhiên dự thảo Luật vẫn có nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau.
Do đó, để có thêm cơ sở, căn cứ phục vụ cho việc hoàn thiện văn bản, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh tổ chức tọa đàm để các đại biểu tham gia góp ý với dự thảo Luật.
Đặc biệt, về bảo đảm an ninh thông tin mạng tại Điều 28 của dự thảo Luật, đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau về yêu cầu một số doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam...
Bình luận