Đội học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM đã trở thành nhà vô địch mới của Cuộc thi Robotics Quốc tế 2013 (hạng nhi đồng), tổ chức ngày 23/11/2013 tại Manila, Philippines.
Tham dự cuộc thi năm nay có 70 đoàn từ 5 quốc gia là Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam và nước chủ nhà Philippines. Đoàn Việt Nam có 24 đội tham gia bao gồm 9 đội của Hà Nội, 7 đội ở Đà Nẵng và 8 đội của TP.HCM (trong đó có 2 đội đoạt giải nhất Cuộc thi Robothon Quốc gia tổ chức tại Đà Nẵng vừa rồi của trường tiểu học VietKids Hà Nội và trường Trần Cao Vân Đà Nẵng được Ban Tổ chức đài thọ toàn bộ chi phí chuyến đi).
Chủ đề của cuộc thi năm nay là “Xây dựng thành phố tốt hơn để có cuộc sống tốt hơn” (better city, better life). Theo đó, các đội tuyển tham gia thi đấu phải tư duy sáng tạo để lắp ráp, cài đặt robot nhằm giải quyết các vấn đề mà một thành phố hiện đại đặt ra như tổ chức và xử lý dữ liệu thông minh, sử dụng không gian đô thị tối ưu…
Hiệu phó Nguyễn Ngọc Hạnh cùng các nhà vô địch Bảo Thanh, Thiên Long và Bá Thi, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm TP.HCM |
Cuộc thi Robotics quốc tế được tổ chức thường niên dành cho học sinh từ 6 đến 13 tuổi, khởi đầu từ khu vực Đông Nam Á và lan tỏa dần ra Châu Á – Thái Bình Dương và trở thành cuộc thi quốc tế có uy tín, được nhiều quốc gia và các tổ chức ủng hộ.
Đây là sự kiện thu hút mạnh mẽ đối với lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng bởi những thách thức công nghệ trong tầm tay chinh phục với rất nhiều giải pháp và luôn khơi gợi óc sáng tạo và chỉ chiến thắng nếu biết phối hợp đồng đội ăn ý, tinh thần thượng võ và quyết tâm.
Có rất nhiều câu chuyện cảm động trong suốt chuyến đi và chính những câu chuyện đó làm nên bức tranh đẹp toàn cảnh với điểm sáng rực rỡ cuối cùng: chiến thắng!
Trong chuyến sang Manila kỳ này, tôi gặp lại nhiều gương mặt quen trong đoàn Đà Nẵng. Chị Hồ thị Cẩm Bình (Sở GDĐT Đà Nẵng) cho biết, Đà Nẵng cử 7 đội qua Philippines thi đấu. Đó là các đội của trường tiểu học Trần Cao Vân (giải nhất Cuộc thi Robothon Quốc gia vừa qua) và Huỳnh Ngọc Huệ (giải nhì cùng cuộc thi). Có khá nhiều phụ huynh đi cùng các em.
Trò đùa giỡn, thầy mất ngủ
Đám trẻ đùa nghịch, hiếu động suốt chuyến đi. Ở phi trường, trên máy bay, về khách sạn… lúc nào chúng cũng cười, nói, chọc ghẹo nhau chí chóe chẳng lúc nào yên. Ngược lại, các thầy, cô, phụ huynh đi cùng luôn lo sốt vó, xem có thiếu đứa nào không, lo chúng có ăn, ngủ được không, lo đủ chuyện.
Vào thi đấu, bọn trẻ vẫn thế, trông chả có gì lo lắng cả, chúng chia nhau công việc như đã phân công (lắp ráp robot, xác định các thông số, cài đặt chương trình) rồi ngồi chờ đến lượt thử trên sa bàn, tính toán các sai lệch để điều chỉnh rồi cài đặt và thử lại.
Trong lúc chờ, chúng vẫn trêu đùa, tươi cười trong khi người lớn lại lo đủ chuyện, lo nhất là liệu đội của con mình có hoàn thành được tất cả các nhiệm vụ đặt ra không.
Cô Nguyễn Ngọc Hạnh, hiệu phó trường Nguyễn Bình Khiêm TP.HCM thú nhận không thể nào ngủ được vì cả đêm lo ngày mai bọn trẻ sẽ vào cuộc như thế nào, bởi cũng những đứa trẻ đó đã để tuột chiến thắng trong Cuộc thi Robothon Quốc gia hồi đầu tháng ở Đà Nẵng trong sự tiếc nuối. Vào cuộc thi này chúng tỏ ra quyết tâm hơn nhiều nhưng ai mà biết trước được điều gì khi mà đám trẻ phải thi đấu với những đội hùng mạnh bậc nhất trong khu vực và phải giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Con không thể nói dối!
“Cháu thà nộp tiền chứ không thể nói dối!”. Đó là lời của cháu Vũ Tiến Minh. Câu nói làm tất cả những người chứng kiến đi từ ngỡ ngàng đến khâm phục.
Số là vì bố mẹ bận đi làm không đi cùng để “hộ tống” cháu sang Philippines thi đấu được nên bà ngoại cháu được cử đi thay. Ở sân bay quốc tế Manila, Philippines, bộ phận quản lý nhập cảnh nước bạn yêu cầu cháu nào không có bố hay mẹ ruột đi cùng thì phải nộp thuế nhập cảnh 3000 pê sô tiền Philippines (khoảng 70 USD).
Vũ Tiến Minh: “Cháu thà nộp tiền chứ không thể nói dối!” |
Mọi người khuyên cháu rằng cứ nói với anh cảnh sát người Philippines đây là mẹ tôi (she is my mother) là qua, khỏi phải đóng tiền. Cậu bé khảng khái trả lời: “Đây là bà cháu, bà là bà, mẹ là mẹ, cháu thà nộp tiền chứ không thể nói dối được!”. “Thằng bé được lắm” – chị Nguyễn Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đỉnh, Hà Nội, đi cùng chuyến bay kể lại cho tôi chuyện này khi các đoàn gặp nhau ở phòng thi đấu.
Hành động đẹp
Trong bước chuẩn bị, đội của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) thử 2 lần đầu đều cho robot đi được trọn vẹn quỹ đạo quy định và thực hiện thành công tất cả các công đoạn dù một vài chi tiết chưa thật sự ưng ý nên quyết định thử lại lần thứ 3.
Trong khi đó, đội của trường Lê Ngọc Hân (TP.HCM) thử 2 lần đầu đều hỏng, lần thứ 2 có khá hơn lần đầu nên rất mong thử lần thứ 3 sẽ thành công. Do thao tác chậm, đến lúc xếp hàng đến lượt thử thì thời gian chỉ còn lại 4 phút mà xếp hàng ngay trên là đội Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nhìn các bạn trường Lê Ngọc Hân đang sốt ruột, nhấp nhổm không yên, đội trường Nguyễn Bỉnh Khiêm quyết định nhường cho đội trường Lê Ngọc Hân thử trước dù sau đó có hết giờ cũng chấp nhận. Có thể giữa 2 nhóm trẻ chuyện xảy ra cũng bình thường thôi nhưng những người lớn đang chăm chú quan sát chúng lại trào nước mắt vì nghĩa cử đẹp đó. Phải chăng tố chất của nhà ô địch đã sớm thể hiện.
Niềm vui tột cùng
Ngay khi trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thi 2 lượt đạt trọn vẹn 2000 điểm nhiều người đã hy vọng lần này Việt Nam có giải. Chỉ là hy vọng thôi vì những năm trước người ta đã chứng kiến nhiều đội nước ngoài cũng đạt 2000 điểm nhưng thực hiện với thời gian ngắn hơn thời gian mà đội trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện nhiều.
Đến khi Ban Tổ chức xướng đến giải nhì mà chưa thấy tên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thì mọi đôi mắt đều dồn về sân khấu chờ đợi nhà vô dịch. Vâng, tất cả vỡ òa trong niềm vui tột độ khi trên màn hình hiện lên dòng chữ “Champion – Nguyen Binh Khiem school” với tên họ đầy đủ của các nhà vô địch: Liêu Ngọc Bảo Thanh, Đào Thiện Long, Đinh Phạm Bá Thi.
Tất cả các thành viên Việt Nam có mặt đều reo mừng, bắt tay nhau, chúc mừng nhau vì sau 3 kỳ tham gia với những đội đến từ các cường quốc Robotics trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Singapore,… thì việc đoạt giải nhất là điều cực khó.
Cám ơn các cháu nhỏ, những chú lính chì dũng cảm với ngôi sao trên ngực, trên mũ và đôi mắt sáng ngời đã làm nên một chiến tích vang dội rạng danh Việt Nam trên trường quốc tế. Cám ơn những đêm mất ngủ của các thầy, cô, cám ơn những tấm lòng vì con trẻ của các bậc phụ huynh đã góp phần làm nên thành tích đó.
Cám ơn tập đoàn DTT và Eduspec đã tạo ra một sân chơi lớn tầm cỡ quốc tế cho các cháu nhỏ - bệ phóng cho các cháu vững bước trên con đường sáng tạo và chủ động.
Manila 23/11/2013
TS. Nguyễn Tuấn Hoa
Bình luận