• Zalo

Việt Nam và nhiệm kỳ thành công tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Tư liệuThứ Ba, 01/02/2022 07:22:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việt Nam vừa hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày càng khẳng định vị trí trên trường quốc tế.

Ngày 31/12/2021 (giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, diễn ra lễ hạ quốc kỳ đánh dấu kết thúc 2 năm nhiệm kỳ của 5 nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) giai đoạn 2020-2021, bao gồm Estonia, Niger, Saint Vincents & Grenadines, Tunisia và Việt Nam.

Đây là lần thứ hai Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ, sau nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2008-2009. Vậy là, sau hơn 10 năm, Việt Nam một lần nữa đảm đương công việc tại tổ chức có vai trò hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Việt Nam và nhiệm kỳ thành công tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - 1

Lễ hạ quốc kỳ 5 nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. (Ảnh: VOV)

Trả lời VTC News, Ông Kamal Malhotra - nguyên Trưởng phái đoàn LHQ tại Việt Nam, nhà ngoại giao kỳ cựu đã tham gia chặt chẽ trong những hoạt động hỗ trợ của LHQ tại Việt Nam, có những chia sẻ xung quanh nhiệm kỳ đầy ý nghĩa này.

- Để đạt được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, theo ông, Việt Nam có những thành tựu và hoạt động nổi bật nào trong quá trình đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới – những nhiệm vụ cốt lõi của HĐBA?

Từ khi gia nhập LHQ năm 1977, Việt Nam trải qua một quá trình chuyển đổi to lớn, mà tôi tin rằng chủ yếu nhờ những con người năng động và tràn đầy năng lượng, cũng như các chính sách rõ ràng của chính phủ về hòa nhập xã hội, đặc biệt trong những thập kỷ đầu.

Từ năm 1977 đến những năm 1990, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của LHQ. Ngày nay, Việt Nam đã phát triển toàn diện và là một nước đóng góp quan trọng cho LHQ, bao gồm cả các hoạt động gìn giữ hòa bình (trở thành nước đóng góp quân vào năm 2014).

Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang đóng một vai trò tích cực ở cấp khu vực và toàn cầu, tương xứng với năng lực và chuyên môn ngày càng tăng được LHQ ủng hộ. Với vai trò kép hiếm hoi là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có nhiều đóng góp cho công việc của HĐBA trong việc duy trì cả hòa bình và an ninh quốc tế, khu vực, bao gồm các công việc liên quan đến hợp tác Nam-Nam (hình thức thúc đẩy hợp tác kĩ thuật giữa các nước ở Nam bán cầu), gìn giữ hòa bình toàn cầu và rà phá bom mìn, quan hệ đối tác giữa các tổ chức khu vực và LHQ, cũng như việc triển khai nghị quyết của HĐBA 1889 (2009) về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS), được thông qua dưới sự chủ trì của Việt Nam khi Việt Nam là thành viên không thường trực của HĐBA hơn một thập kỷ trước.

Việt Nam và nhiệm kỳ thành công tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - 2

Đoàn Việt Nam tại phiên họp bầu chọn Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

- Ông có ấn tượng như thế nào về những sáng kiến và chương trình nghị sự của Việt Nam tại HĐBA trong nhiệm kỳ 2020-2021?

Nhìn chung, tôi đánh giá tích cực về các sáng kiến ​​và chương trình nghị sự của Việt Nam trong HĐBA cho nhiệm kỳ này.

Trong khi giữ chức Chủ tịch HĐBA lần đầu tiên vào tháng 1/2020, Việt Nam chủ trì thành công cuộc tranh luận mở kịp thời và quan trọng về việc đề cao Hiến chương LHQ nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như cuộc họp đầu tiên về hợp tác giữa LHQ và ASEAN, đã tận dụng vai trò kép là thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, do đó giúp nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN và tăng cường kết nối giữa nhóm khu vực này và LHQ.

Việt Nam, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc mà tôi đã được tham gia dẫn dắt với tư cách Điều phối viên thường trú, cũng đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) vào tháng 12/2020 với sự tham gia của hơn 400 đại biểu đến từ gần 90 quốc gia. Các nước ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc tổ chức sự kiện như vậy trong bối cảnh đại dịch và đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc đưa ra văn kiện kết quả - "Cam kết hành động của Hà Nội". Tài liệu được 75 quốc gia trên thế giới đồng bảo trợ và được lưu hành như tài liệu chính thức của HĐBA và Đại hội đồng.

Lần thứ hai trong vai trò Chủ tịch HĐBA giai đoạn 2020-2021, Việt Nam, vào tháng 4/2021, đã thực hiện ba chủ đề nghị sự. Thứ nhất, thúc đẩy mối quan hệ giữa LHQ và các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong việc ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp. Đây là sự tiếp nối những nỗ lực của Việt Nam kể từ đầu nhiệm kỳ. Một cuộc tranh luận mở cấp cao đã được tổ chức vào ngày 19/4/2021 với sự tham dự đáng chú ý của cả Tổng thư ký Liên hợp quốc đương nhiệm, các nhà lãnh đạo ASEAN, Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU).

Chủ đề thứ hai là giải quyết hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững. Việt Nam đã tổ chức cuộc họp cấp bộ do Bộ Ngoại giao chủ trì vào ngày 8/4/2021. Tổng thư ký Liên hợp quốc tham dự sự kiện này cùng với các vị khách đặc biệt, trong đó có đại diện của đội rà phá bom mìn toàn tỉnh Quảng Trị - với tất cả các thành viên đều là nữ.

Chủ đề quan trọng thứ ba mà trước đây tương đối bị bỏ qua là bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng đối với sự tồn tại và cuộc sống của con người giữa các cuộc xung đột vũ trang. Một cuộc họp cấp bộ trưởng đã được tổ chức vào ngày 27/4/2021 với sự tham gia của Tổng thư ký các vấn đề nhân đạo và các nhà lãnh đạo của Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Việt Nam và nhiệm kỳ thành công tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - 3

Ông Kamal Malhotra - nguyên Trưởng phái đoàn LHQ tại Việt Nam. (Ảnh: UN in Vietnam/Nguyen Duc Hieu)

- Trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ có ý nghĩa như thế nào đối với một quốc gia như Việt Nam trong bối cảnh hiện nay? Sẽ có những thách thức nào Việt Nam cần phải vượt qua?

Với tư cách là một cường quốc tầm trung mới nổi, hội nhập sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam rất quan tâm đến tương lai của chủ nghĩa đa phương toàn cầu -  thành phần thiết yếu và thậm chí là nền tảng của kinh tế và các hình thức toàn cầu hóa khác.

Các chủ đề ưu tiên mà Việt Nam thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2021 đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Để hoàn thành tốt vai trò của mình, Việt Nam đã nỗ lực tham gia một cách chủ động, có trách nhiệm, bảo đảm khách quan, minh bạch, xử lý sự khác biệt giữa các nước thành viên, đóng vai trò là cầu nối trong HĐBA LHQ trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều thách thức, nỗ lực để duy trì sự đoàn kết và nỗ lực sử dụng sự đồng thuận để giải quyết các vấn đề. Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các thành viên của HĐBA cho nhiệm kỳ này.

Cần phải nói rằng, cả Việt Nam và LHQ đều đang phải đối mặt với những thời điểm đầy thách thức. Đại dịch COVID-19 và các vấn đề liên quan đã gây áp lực không chỉ lên y tế mà còn cả các lĩnh vực quan trọng khác như tăng trưởng kinh tế, môi trường an ninh và hợp tác quốc tế. Các tổ chức đa phương, bao gồm LHQ, đã cố gắng cung cấp các loại hàng hóa công cho thế giới, chẳng hạn như phân phối vaccine miễn phí thông qua chương trình Cơ sở COVAX Toàn cầu, nhưng nhu cầu thực tế vẫn chưa được đáp ứng.

Trong khi toàn cầu đầy rẫy bất ổn, bao gồm giai đoạn mới cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, Việt Nam vẫn đang phải vất vả để vượt qua những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra. Từ câu chuyện thành công vào năm 2020 và đầu năm 2021, Việt Nam hiện đang chậm lại trong một số lĩnh vực của cuộc chiến chống đại dịch như tỷ lệ tiêm chủng vaccine đầy đủ cho toàn dân. Thực tế, với sự khó lường của đại dịch, không quốc gia nào có thể hoàn toàn tự tin vào hiệu quả của các phản ứng chính sách, vốn cần phải nhanh nhẹn và chủ động dự đoán được những thách thức mới.

Việt Nam và nhiệm kỳ thành công tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - 4

Đại sứ, Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý phát biểu tại một phiên họp của Liên hợp quốc. (Ảnh tư liệu: Thế giới và Việt Nam)

- Ông nhìn nhận như thế nào về sự thay đổi hình ảnh và vị thế của Việt Nam tại các tổ chức đa phương trong mắt bạn bè quốc tế?

Tương tự như các quốc gia vừa và nhỏ khác, Việt Nam thực sự mong muốn tăng cường niềm tin và đầu tư vào chủ nghĩa đa phương. Việc gia tăng sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc và mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, có thể thấy rõ nét nhất trong đại dịch COVID-19 và thông qua các tác động của biến đổi khí hậu, đòi hỏi nhiều phối hợp và đoàn kết đa phương hơn nữa.

Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các cường quốc tầm trung có thể đóng góp hiệu quả vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản trị toàn cầu và khu vực. Trong mắt bạn bè quốc tế, như một cường quốc tầm trung mới nổi, Việt Nam rất tích cực trong việc cung cấp ý tưởng, nền tảng và nguồn lực cho các thỏa thuận đa phương, từ các chương trình kết nối ASEAN đến các hoạt động hòa bình của Liên hợp quốc.

Việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ được ghi nhớ vì sự tập trung cao độ vào các chủ đề quan trọng như bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các khu vực xung đột, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang, rà phá bom và mìn do chiến tranh, hoạt động hòa bình của Liên hợp quốc, an ninh khí hậu và các thách thức hòa bình và an ninh phi truyền thống khác. Việt Nam phải tiếp tục là một bên tham gia khu vực và toàn cầu có trách nhiệm và tiếp tục đóng góp vào kết quả hoạt động của HĐBA  - với nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời giải quyết và tìm ra giải pháp cho các thách thức khó khăn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như tình hình ở Myanmar và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

- Ông cảm nhận như thế nào về phong cách làm việc của các nhà ngoại giao và nhà lãnh đạo Việt Nam tại Liên hợp quốc? Ông có thể kể lại một kỷ niệm đáng nhớ về quá trình làm việc với họ?

Nhìn chung, họ đã thể hiện rất tốt, gửi một thông điệp rõ ràng đến thế giới rằng Việt Nam đã chuẩn bị, sẵn sàng và có thể tham gia trên trường thế giới.

Tôi muốn kể lại ba kinh nghiệm đáng nhớ. Một là hội nghị quốc tế lớn về WPS được tổ chức vào tháng 12/2020, mà tôi đã đề cập ở trên. Đây là một sự kiện quan trọng để đánh dấu kỷ niệm 20 năm nghị quyết 1325 của HĐBA (2000), nghị quyết WPS ban đầu được HĐBA thông qua và phát triển thành sự kiện quốc tế hàng đầu về vấn đề này hồi năm 2020. Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ (Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) xem đây là một ưu tiên của chính phủ và tôi đã được thấy những nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ Việt Nam, đặc biệt là ở Bộ Ngoại giao, để làm nên thành công.

Hai là nỗ lực chung của chúng tôi để chống lại COVID-19. Ngay khi phát hiện COVID-19 ở Việt Nam vào đầu năm 2020, Chính phủ đã bắt tay vào hành động với các biện pháp nhanh chóng, hiệu quả và nghiêm ngặt. Tôi rất ấn tượng về sự nhanh nhẹn và hiệu quả của các cán bộ trong các cơ quan chính phủ Việt Nam. Liên quan đến những nỗ lực của Chính phủ để có được những liều vaccine COVID-19 cần thiết, tôi nhớ lại cuộc họp đáng nhớ với Thủ tướng vào đầu tháng 2/2021, khi tôi đã đưa ra lịch trình và tiêu chí nghiêm ngặt cũng như thúc giục để Việt Nam tham gia COVAX thành công. Sau đó, với chỉ thị nhanh chóng của Thủ tướng, các quan chức chính phủ, đặc biệt là ở Bộ Y tế, đã có thể tập hợp các tài liệu cần thiết để đệ trình lên chương trình Cơ sở COVAX, mở đường cho việc cung cấp hàng triệu liều vaccine.

Việt Nam và nhiệm kỳ thành công tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - 5

Việt Nam ủng hộ Quỹ ứng phó với COVID-19 của WHO. (Ảnh: UN in Vietnam)

Đặc biệt, Việt Nam thông qua những nỗ lực của Bộ Ngoại giao cũng đã đáp ứng yêu cầu của LHQ về việc thực hiện Medevac (vận chuyển y tế khẩn cấp) một bệnh nhân COVID của LHQ bị bệnh nặng từ khu vực và đã phục hồi chức năng thành công cho bệnh nhân này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử và rất đáng chú ý đối với một nước khi các bệnh nhân nặng vốn thường được đưa đến Bangkok (Thái Lan) và Singapore.

Việt Nam có những nhà ngoại giao đặc biệt. Tất cả những thành công mà Việt Nam có được với sự hỗ trợ của LHQ trong vai trò tại HĐBA sẽ không thể thiếu những nhà ngoại giao đặc biệt này.

- Theo ông, sau nhiệm kỳ tại HĐBA, Việt Nam có tiềm năng và cơ hội gì, để có thể tiếp tục phát triển đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực?

Tôi tin rằng trong nhiệm kỳ 2020-2021 tại HĐBA, Việt Nam đã thu được những kinh nghiệm quý báu để tiếp tục đóng góp vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Việt Nam và nhiệm kỳ thành công tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - 6

Việt Nam tham gia nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam/Sputnik)

Dựa trên những đóng góp của mình cho các hoạt động hòa bình của LHQ từ năm 2014, Việt Nam có nhiều tiềm năng để tăng cường đóng góp của mình trong lĩnh vực này, bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. LHQ cũng mong muốn Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia cử lực lượng cảnh sát tham gia các chương trình trong tương lai gần. Với tư cách là chủ nhà của hội nghị quốc tế WPS vào tháng 12/2020 đã thông qua văn kiện kết quả rất thực chất và cụ thể là “Cam kết hành động của Hà Nội”, Việt Nam cũng có trách nhiệm quan trọng cùng với 75 đồng bảo trợ trong việc đảm bảo thực hiện có hiệu quả văn kiện này. Việt Nam cũng cần tăng cường đóng góp vào Hợp tác Nam-Nam theo những cách khác, đặc biệt trong bối cảnh giúp các nước đang phát triển học hỏi kinh nghiệm đáng chú ý của mình về xóa đói giảm nghèo đa chiều, đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và Chương trình nghị sự năm 2030.

- Là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, có nhiều năm công tác tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về vai trò, vị thế của Việt Nam không chỉ tại LHQ mà còn ở các tổ chức quốc tế, khu vực khác (ASEAN) trong việc đảm bảo ổn định, hòa bình và phát triển nói chung?

Tôi đến Việt Nam từ năm 1989 và đã chứng kiến ​​sự chuyển mình đáng kinh ngạc từ một đất nước nghèo đói, bị chiến tranh tàn phá và cô lập thành một cường quốc năng động và mới nổi có thu nhập trung bình. Đảm nhận 5 vai trò khác nhau trong 32 năm đó, cho phép tôi có một cái nhìn hiếm hoi trong ba thập kỷ về sự biến đổi lịch sử của đất nước này trong vòng chưa đầy một thế hệ.

Hơn bất cứ điều gì khác, thành công của Việt Nam nằm ở sự kiên cường, chăm chỉ, cởi mở, lạc quan và sức mạnh của con người. Mong muốn trở thành một "quốc gia phát triển có thu nhập cao" vào năm 2045, Việt Nam còn nhiều điều phải đóng góp cho cả khu vực và toàn cầu trong những thập kỷ tới, vì sự ổn định, hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Như đã đề cập ở trên, để điều này trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ cần tiếp tục điều hướng các vùng biển khó khăn trong bối cảnh các cường quốc cạnh tranh và phục hồi sau đại dịch, đồng thời thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc giúp giải quyết những thách thức lớn trong khu vực của mình, đặc biệt là tình hình ở Myanmar.

Với sự tự tin ngày càng tăng về các vấn đề quốc tế cũng như kỹ năng và năng lực được nâng cao, cùng với sự linh hoạt, nhanh nhẹn và hiệu quả cần thiết, tôi tin rằng Việt Nam sẽ thành công trong việc vượt qua những thách thức và khó khăn đó, tiếp tục đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo phát triển và hòa bình bền vững toàn cầu trong những thập kỷ tới.

Kông Anh - Phương Anh (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn