• Zalo

Việt Nam trước nguy cơ thành ‘bãi rác’: Bộ Tài nguyên và Môi trường lên tiếng

Thời sựThứ Tư, 18/07/2018 11:20:00 +07:00 Google News

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, Việt Nam đang thiếu cơ chế phòng ngừa và kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu nên cơ quan chức năng luôn bị động khi phải đối phó với những doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Nhập khẩu phế liệu tràn lan

Trước thực trạng các cảng Hải Phòng, TP.HCM lưu giữ hàng nghìn container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan, tại cuộc họp báo chiều 17/7, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) thừa nhận, hiện nay Việt Nam đang thiếu cơ chế phòng ngừa và kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, chỉ đến khi tàu nhập cảng, hàng hóa được vận chuyển, sắp xếp lên bờ, lúc đó mới làm thủ tục thông quan và kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu.

Bởi vậy, cơ quan chức năng Việt Nam luôn bị động khi phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận khi nhập phế liệu, xuất hiện tình trạng nhiều loại phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép nhưng vẫn được nhập về Việt Nam.

hoangvanthuc

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng Việt Nam đang thiếu cơ chế phòng ngừa và kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa.

Việc gian lận trong nhập khẩu phế liệu hiện nay của các cá nhân và tổ chức đã và đang diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi như: Làm giả giấy xác nhận, có giấy xác nhận nhưng quá hạn song vẫn “phù phép” để ký hợp đồng mua bán phế liệu.

Đặc biệt, theo ông Thức, có những doanh nghiệp còn dùng giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu của doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế rồi cố tình nhập phế liệu không đáp ứng đúng quy chuẩn, quy định. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, những doanh nghiệp này sẵn sàng vứt bỏ lại hàng gây nên tình trạng ứ đọng hàng nghìn container phế liệu tại các cảng biển.

Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ TN&MT cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhập khẩu phế liệu tràn lan ở Việt Nam hiện nay là do Trung Quốc ban hành quy định ngừng nhập khẩu phế liệu. Cụ thể, từ cuối năm 2017, Trung Quốc ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế, trong đó có một số mã phế liệu được phép nhập khẩu ở Việt Nam.

Do vậy, một số nước trước đây vẫn xuất khẩu phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada cùng các nước Bắc Âu tìm sang đối tác và các thị trường mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Việc này khiến một số lượng lớn phế liệu từ các nước phát triển tràn về Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân làm gia tăng lượng container phế liệu tại cảng Hải Phòng và TP.HCM trong thời gian qua.

Cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát

Trước tình trạng phế liệu ùn ứ tại các cảng biển nói trên, ngày 12/7, Bộ TN&MT có cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Đồng thời, Bộ TN&MT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét và ban hành chính sách nhằm kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

phe_lieu 4

Phế liệu không đạt chất lượng nhập khẩu bị Cục Hải quan TP.HCM phát hiện tại cảng Cát Lái. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Về giải pháp trước mắt, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các cơ quan hải quan, các cửa khẩu phối hợp với các cơ quan quản lý môi trường rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu là phế liệu nhưng chưa làm thủ tục hải quan, thông báo các doanh nghiệp này sớm làm thủ tục thông quan. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng triển khai việc phân loại để xử lý các container phế liệu đang tồn đọng hiện nay, các container tồn đọng quá 90 ngày sẽ xử lý theo thông tư của Bộ Tài chính.

Bộ GTVT cần có văn bản thông báo cho các hãng tàu yêu cầu kiểm tra giấy xác nhận của chủ lô hàng phế liệu, nếu

không xuất trình được giấy xác nhận thì không cho dỡ hàng xuống cảng. Ngoài ra, Bộ TN&MT sẽ rút ngắn thời gian cấp phép giấy xác nhận nhập khẩu cho các lô hàng là phế liệu đạt đúng quy chuẩn nhập khẩu, tránh gây thủ tục phiền hà, kéo dài thời gian...

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ TN&MT, về giải pháp lâu dài, Việt Nam cần phải sớm xây dựng được cơ chế phòng ngừa và kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu; cần phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phế liệu nhập khẩu theo hướng đồng bộ giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Bộ TN&MT sẽ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, tăng cường công tác giám định, xây dựng và nâng cao trình độ cho đội ngũ công tác quản lý giám sát nhập khẩu phế liệu, tuyên truyền sâu rộng việc bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu hiện nay...

Ngoài ra, đại diện Bộ TN&MT cũng cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu tiên, khuyến khích việc nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, từng bước giảm dần việc nhập khẩu phế liệu và tái chế, tái sử dụng phế liệu phát sinh trong nước...

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn