Ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong khi nhiều quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 rất hiệu quả, thì Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4.
“Đây là thực tế đáng lo ngại cần phải đặc biệt quan tâm chú ý. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, tương lai không xa kháng sinh sẽ trở nên vô ích và con người đứng trước những căn bệnh không còn thuốc chữa”, bác sĩ Kính cảnh báo.
Theo cảnh báo của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Không chỉ có vậy, bản đồ “Sử dụng kháng sinh năm 2015” của Tổ chức IMS Health cũng báo động: “Việt Nam thuộc nhóm nước sử dụng nhiều kháng sinh”.
Theo các chuyên gia, tình trạng kháng kháng sinh có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc kê đơn kháng sinh chưa hợp lý, sử dụng không đủ liều kháng sinh hoặc chỉ định sử dụng quá mức kháng sinh …
Ngoài ra, thói quen dùng thuốc của người Việt cũng là một trong những lý do khiến tình trạng kháng kháng sinh ở nước ta diễn ra trầm trọng hơn.
Không ít người dân tự ý mua thuốc kháng sinh, dùng kháng sinh bừa bãi, không đủ ngày, đủ liều và lạm dụng kháng sinh.
“Nhiều người chỉ bị cảm lạnh, sốt do siêu vi, cảm cúm, sổ mũi hay đau họng… nhưng vẫn dùng kháng sinh để uống. Trong khi, thực tế những bệnh này sẽ tự khỏi sau từ 5 - 7 ngày nếu bệnh nhân biết cách nghỉ ngơi, ăn uống và vận động khoa học theo chỉ dẫn của bác sĩ tại phòng khám”, BS Kính cho biết.
Đứng trước thực trạng trên, theo ông Nguyễn Văn Kính, để hạn chế, các bệnh viện, cá nhân nên hướng tới việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, nói không với tình trạng lạm dụng kháng sinh vì sức khỏe của cả cộng đồng.
Video: Uống vài viên kháng sinh, cô gái trẻ đẹp bị bỏng 90% da
Bình luận