Ngày 24/10, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Kỹ thuật số Nikkei châu Á 2023 do Thời báo Nikkei Business Publications phối hợp tổ chức với Viện Phát triển quản trị và công nghệ IMT.
Diễn đàn Kỹ thuật số Nikkei châu Á 2023 là cơ hội để các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việt Nam và Nhật Bản có thể trao đổi chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, đặc biệt là những khả năng hợp tác thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam cũng như Nhật Bản và các nước trên thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Cùng với xu thế chung của thế giới, Việt Nam đang nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên số; đang nỗ lực thực hiện các chương trình, chiến lược chuyển đổi số, triển khai chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số”.
Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia nhấn mạnh về hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp, các ngành công nghiệp, hướng tới chuyển đổi số bền vững, giải quyết các vấn đề xã hội, chuyển đổi xanh như: sản xuất hiệu quả, giảm thiểu phát thải carbon, cải thiện dịch vụ công, thúc đẩy dịch vụ tài chính, giải quyết tình trạng kẹt xe, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.
Ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhận xét, về mặt kinh tế, trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều quốc gia đang quan tâm đến Việt Nam, một quốc gia liên tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội.
Tháng 8, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản có báo cáo đánh giá ASEAN đang đạt được sự tăng trưởng nhảy vọt, và sự nổi lên của các ngành công nghiệp mới sử dụng công nghệ kỹ thuật số.
Nhật Bản sẽ tìm cách thu hút nguồn nhân lực thế hệ tiếp theo đa dạng, bao gồm cả tài năng kỹ thuật số từ ASEAN để có thể mở rộng cơ hội cho thế hệ trẻ ASEAN đóng vai trò tích cực trên toàn cầu. Đồng thời hiện thực hóa việc tạo ra các ngành công nghiệp mới cho chính nền kinh tế Nhật Bản.
Để thúc đẩy hợp tác kỹ thuật số ASEAN - Nhật Bản trong tương lai, Nhật Bản chú trọng hợp tác với Việt Nam, quốc gia đang bắt đầu thu hút sự chú ý với tư cách là trung tâm kỹ thuật số của ASEAN.
Khảo sát mới nhất của JETRO với các công ty mẹ tại Nhật Bản, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ, là quốc gia, khu vực mà các công ty Nhật Bản có quan tâm cao. Nếu chỉ tính riêng với các công ty lớn, Việt Nam được xếp hạng số 1 thế giới về mức độ quan tâm đối với doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong lĩnh vực kỹ thuật số cũng vậy, các công ty nổi tiếng của Nhật Bản như KDDI, Fujitsu… cũng như các chuyên gia tư vấn mạnh đã đầu tư sang Việt Nam và đang tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư trong tương lai. Trong thời gian tới, các cơ hội chuyển đổi số sẽ phát triển mạnh hơn.
“Tôi được biết gần đây, giới trẻ Việt Nam được biết đến là có thế mạnh về các ngành khoa học và Toán học, đã cho thấy những hoạt động tích cực trong lĩnh vực kỹ thuật số” - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nói.
Một ví dụ điển hình là Tập đoàn FPT thành lập trường đại học trong tập đoàn của mình tại Việt Nam, đào tạo được một lượng lớn nhân lực kỹ thuật số xuất sắc, tạo tiền đề cho năng lực cạnh tranh của FPT.
Không chỉ dừng lại ở việc thực hiện offshore cho các công ty nước ngoài, FPT cũng phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cũng như tại Nhật Bản, đồng thời là thành viên của Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản.
Theo ông Yamada Takio, Việt Nam có môi trường đào tạo, bồi dưỡng tài năng kỹ thuật số xuất sắc. Ví dụ trường Đại học Bách Khoa có cơ sở ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đang thu hút nhiều sinh viên tài năng và nâng cao tiêu chuẩn đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp các trường này và các trường đại học xuất sắc khác ở Việt Nam đang hoạt động tại nhiều công ty Nhật Bản.
Trường Đại học Việt - Nhật là một nỗ lực mới. Đây là cơ sở giáo dục đại học được thành lập vào năm 2016, trực thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam và là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, hiện đang triển khai 8 chương trình thạc sĩ và 4 chương trình đại học. Ngoài ra, 2 chương trình đại học mới và 1 chương trình tiến sĩ dự kiến được mở trong kỳ học tới.
Trong số các chương trình tại Đại học Việt - Nhật, chương trình Khoa học và kỹ thuật máy tính được học trong năm 3 là chương trình thu hút nhiều sinh viên nhất, cùng với chương trình Nhật Bản học. Sau 2 năm nữa, những sinh viên đầu tiên của chương trình Khoa học và kỹ thuật máy tính sẽ tốt nghiệp.
“Chúng tôi hy vọng họ sẽ bước vào xã hội với tư cách nguồn nhân lực kỹ thuật số vô cùng tài năng, đóng vai trò tích cực, là những người bạn đồng hành cùng các quý vị, trở thành cầu nối giữa hai nước Nhật Bản - Việt Nam trong tương lai” - ông Yamada Takio kết luận.
Bình luận