Thông tin được GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ bên lề hội nghị khoa học nghiên cứu và ứng dụng trong y học, sáng 12/10.
Theo GS Kính, trước đây, một số quốc gia từng thử nghiệm và cấp phép lưu hành vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, nhất là với virus tuýp 2 (tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết phổ biến hiện nay).
“Gần đây, một loại vaccine ngừa sốt xuất huyết của Nhật Bản đang được thử nghiệm, bước đầu hiệu quả phòng bệnh với cả 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tham gia tiêm thử nghiệm vaccine này”, GS Kính thông tin.
Vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả với các bệnh truyền nhiễm, nhưng do cùng một liều tiêm có thể chỉ định tiêm cho cả người lớn và trẻ nhỏ nên cần phải thử nghiệm, và có những đánh giá kỹ càng về tác động với sức khoẻ trước khi áp dụng rộng rãi trên cộng đồng.
Sốt xuất huyết thường bắt đầu đột ngột sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 7 ngày và diễn biến theo 3 giai đoạn sốt, nguy kịch và hồi phục. Giai đoạn nghiêm trọng diễn ra từ 3 đến 7 ngày sau ngày đầu tiên bị sốt.
Lúc này, người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt và xuất hiện một số trường hợp nhiễm trùng thứ phát, có hiện tượng cô đặc máu, hạ tiểu cầu.
Chuyên gia khuyến cáo, mỗi cá nhân và cộng đồng cần lưu tâm đến sốt xuất huyết. Nếu bị sốt nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, có thể làm xét nghiệm trong 3 ngày đầu để phát hiện bệnh. Các thầy thuốc cần lưu ý để xử lý kịp thời các dấu hiệu cảnh báo.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 90.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 26 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, gần 2 tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, mỗi tuần ghi nhận từ hơn 2.000 đến gần 3.000 bệnh nhân, ghi nhận 4 trường hợp tử vong. Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm nay chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây.
Bình luận