Theo BSCKII Khúc Thị Nhẹn - Trưởng khoa Nội thần kinh – Bệnh viện E: Trên Thế giới, kỹ thuật đặt điện cực kích thích não cho bệnh nhân Parkinson đã can thiệp được 135.000 ca. Còn tại Việt Nam, kỹ thuật này mới được triển khai cách đây vài năm với 28 ca thực hiện chủ yếu là ở TP HCM (25 ca) và 2 ca ở Bệnh viện Việt Đức và 1 ca (được triển khai lần đầu tiên tại BV E).
Bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật là bà N.T.C (76 tuổi, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh). Hơn 10 năm nay, bà bị bệnh Parkinson, tay chân lúc nào cũng run biên độ lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân.
Theo bà C., năm 2005, hai tay bà tự dưng run nhè nhẹ, sau đó diễn tiến liên tục. Bà đi khám, các bác sĩ xác định, bà bị Parkinson thể run chân, tay, đi lại khó khăn. Nhưng bệnh tiến triển mỗi ngày một nặng, thuốc điều trị không đáp ứng khiến số lần lên cơn run tăng, trước kia chỉ khoảng 2 lần/ngày, nay tăng lên 5 lần/ngày và thời gian lên cơn kéo dài…
Trước đây, gia đình cũng đã đưa bà sang Đức để điều trị và có ý định phẫu thuật căn bệnh này với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, Bệnh viện E triển khai kỹ thuật đặt điện cực kích thích não cho bệnh nhân Pakinson, bà C đã đăng ký và trở thành bệnh nhân đầu tiên thực hiện kỹ thuật này tại Bệnh viện E vào ngày 12/11/2016.
BSCKII Khúc Thị Nhẹn cho hay, Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh thường gặp ở người lớn tuổi, từ 60 tuổi trở lên. Bệnh có biểu hiện là do sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh Dopamine, làm cho một vài nhân trong não bị tăng hoạt động, làm ức chế các cử động bình thường và gây nên các vận động bất thường.
Bệnh nhân có các triệu chứng bất thường như run rẩy tay chân, cử động chậm chạp, cơ tăng trương lực. Bệnh nhân được dùng thuốc để bổ sung chất dẫn truyền thần kinh Dopamine và chỉ có hiệu quả trong những năm đầu của bệnh.
Sau 7-8 năm thì thuốc không còn tác dụng nhiều nữa và gây cho người bệnh các biến chứng như xáo trộn vận động hay loạn động, bệnh nhân có những cử động bất thường còn nặng hơn hay có những lúc bị cứng đờ không cử động được.
Vì thế, việc áp dụng kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu sẽ là phương án tối ưu, làm cải thiện rõ rệt các triệu chứng như tăng trương lực cơ, không còn đáp ứng với thuốc điều trị cho bệnh nhân Pakinson.
Ths.BS Đỗ Tuấn Anh – khoa Ngoại chấn thương cho biết thêm: bệnh nhân C được chỉ định đặt điện cực kích thích não sâu (DBS) ở nhân dưới đồi thị (trong não). Trong quá trình mổ, bệnh nhân được gây tê tại chỗ nên hoàn toàn tính táo.
“Mặc dù, đây là ca mổ ít xâm lấn, nhưng đòi hỏi độ chính xác rất cao đến từng mm, vì thế cần có 1 ê-kíp am hiểu bệnh và quá trình phẫu thuật gồm có bác sĩ nội thần kinh, bác sĩ ngoại thần kinh, ê kíp gây mê và đội ngũ kỹ thuật viên sử dụng thành thạo trang thiết bị để đánh giá hiệu quả của phẫu thuật ngay trong quá trình đặt điện cực kích thích não sâu cho bệnh nhân Pakinson” - Ths.BS Đỗ Tuấn Anh cho biết.
Theo BS Tuấn Anh: Phẫu thuật kích thích não sâu là một phương pháp nhằm đưa một que kim loại (còn gọi điện cực) vào đúng các cấu trúc nằm sâu bên trong não.
Sau đó, điện cực được nối với một dây dẫn ra khỏi não, luồn dưới da từ vùng đầu đến vùng trước ngực rồi gắn vào máy tạo nhịp được đặt ở đó. Khi được kích thích, dòng điện sẽ theo dây dẫn vào điện cực, từ đó tác động vào nhân não giúp cải thiện triệu chứng về rối loạn vận động, giảm liều thuốc điều trị hàng ngày, giảm tác dụng phụ của thuốc điều trị cho người bệnh.
Bình luận