Cơ quan Bưu chính Việt Nam vừa chính thức lên tiếng phản đối hành động của Bưu chính Trung Quốc đã phát hành tem vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2013.
Hôm nay (ngày 28/8/2013), Bộ TT&TT - cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực bưu chính của Việt Nam đã chính thức có ý kiến về việc Bưu chính Trung Quốc mới đây đã phát hành tem bưu chính về quần đảo Hoàng Sa.
Cụ thể, Vụ Bưu chính thuộc Bộ TT&TT cho biết, tháng 5/2013 Bưu chính Trung Quốc đã phát hành bộ tem phổ thông gồm 6 mẫu tem mang tên Mỹ lệ Trung Quốc, trong đó có 1 mẫu tem in hình các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (mẫu tem có giá mặt tem là 1,2 nhân dân tệ, mang tên Tam Sa Thất Liên Dữ) vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cơ quan Bưu chính Việt Nam yêu cầu Bưu chính Trung Quốc tôn trọng sự thật, hủy ngay mẫu tem, phong bì và bưu ảnh in hình các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. |
Liên quan đến nội dung này, trước đó, vào ngày 10/6/2013, Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp thuộc Hội Tem TP.HCM đã gửi văn bản kiến nghị Bộ TT&TT và Hội Tem Việt Nam có ý kiến chính thức phản đối Bưu chính Trung Quốc về hành động phát hành tem bưu chính vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trong công văn, bên cạnh việc kiến nghị Bộ TT&TT và Hội Tem Việt Nam có ý kiến phản đối hành động phát hành tem bưu chính vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại Hoàng Sa của Bưu chính Trung Quốc, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp cũng khuyến nghị, làng tem Việt Nam cần nhận thức rõ, không sưu tập bộ tem Mỹ lệ Trung Quốc để phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc, không tiếp tay cho họ xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Đây là lần thứ hai Bưu chính Trung Quốc phát hành tem bưu chính vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trước đó, năm 2004, Bưu chính Trung Quốc đã phát hành bộ tem Phong cảnh biên giới Trung Quốc, trong đó có 1 mẫu tem thể hiện hình ảnh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ gọi là quần đảo Tây Sa.
Theo ICTnews
Bình luận