Phát biểu trong phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc theo cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào chiều ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: Hòa bình, phát triển và nhân quyền luôn thể hiện mong muốn chung của cộng đồng quốc tế. Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực thực thi các chính sách về quyền con người, bao gồm cả những khuyến nghị từ lần kiểm điểm trước đó.
Lễ Công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tháng 3/2013 (Nguồn: TTXVN)
Việt Nam lần đầu tiên thực hiện cơ chế UPR vào tháng 5/2009 và đã nhận được 123 khuyến nghị từ 60 quốc gia, trong đó chấp thuận 96 khuyến nghị.
Các khuyến nghị còn lại tuy không được chấp thuận do không phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của Việt Nam , song chính phủ Việt Nam vẫn nghiêm túc nghiên cứu.
Việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho 17 Bộ, ngành và cơ quan thuộc chính phủ việc thực hiện các khuyến nghị được phân công.
Trong phiên họp này, đại diện các bộ ngành đã được Thứ trưởng Hà Kim Ngọc giới thiệu lần lượt trình bày tóm lược đặc điểm cụ thể của từng ngành ở Việt Nam và việc thực thi các khuyến nghị đã được Chính phủ phân công.
Đa số đại biểu của các nước tham dự phiên họp đều hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong những năm qua và chúc mừng Việt Nam với vai trò mới tại Hội đồng Nhân quyền bắt đầu từ đầu năm nay.
Việt Nam là một trong những nước đi đầu với việc xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ người nghèo dưới ngưỡng chuẩn quốc gia đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống 14,8% năm 2007 và 7,8% năm 2013. Việt Nam cũng đã hoàn thành 5 trong số 8 mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ trước thời hạn.
Trong bối cảnh trong nước còn nhiều khó khăn về mặt kinh tế và xã hội do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và tài chính toàn cầu, Chính phủ Việt Nam vẫn đặt ưu tiên cho vấn đề an sinh xã hội và cải thiện mức sống của người dân. Vì lý do đó mà không có bất cứ chương trình an sinh xã hội nào bị cắt giảm trong giai đoạn này.
Các đại biểu cũng đánh giá cao việc Việt Nam ký “Công ước của LHQ về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” (gọi tắt là Công ước chống tra tấn) vào tháng 11/2013.
Đây là văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người, nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng các cơ chế bảo vệ nạn nhân và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Các nước hy vọng Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn và thực hiện Công ước này.
Phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra từ ngày 27/1 đến 7/2/2014 với 14 quốc gia thành viên LHQ bao gồm New Zealand, Afghanistan, Chile, Uruguay, Yemen, Vanuatu, Cộng hòa Macedonia, Comoros, Slovakia, Eritrea, Cyprus, Cộng hòa Dominica, Campuchia và Việt Nam đến kỳ kiểm điểm (định kỳ 4, 5 năm một lần) theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và chính trị hóa.
Theo lịch trình, khoảng 2 ngày kể từ phiên kiểm điểm, Nhóm làm việc về UPR sẽ họp và thông qua báo cáo kết quả kiểm điểm của quốc gia.
Bình luận