Lần đầu công khai
Sáng 9/12, dự hội nghị Quân chính toàn quân năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan, thị sát nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của Quân đội được trưng bày tại trụ sở Bộ Quốc phòng.
Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến sự xuất hiện lần đầu tiên của tên lửa phòng không SPYDER mà Việt Nam mua từ Israel. Bên cạnh đó, xe tăng T-90S hiện đại mà Việt Nam vừa nhận cách đây không lâu cũng góp mặt.
Cách đây vài năm, truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin về việc Việt Nam sở hữu tên lửa phòng không SPYDER hiện đại từ Israel, tuy nhiên hầu như có bất cứ hình ảnh chính thống nào về các tổ hợp này được công khai, ngoài trừ một vài mô hình học tập ở những đơn vị được trang bị tổ hợp này trong những dịp ra quân huấn luyện đầu năm.
Theo cơ sở dữ liệu "Chuyển giao vũ khí thế giới" của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) thì Việt Nam đã đặt mua 5 tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER (cả phiên bản SPYDER-MR tầm trung và phiên bản SPYDER-SR tầm gần), đến nay cả 5/5 tổ hợp theo hợp đồng được chuyển giao. Tuy nhiên, thông tin này chỉ mang tính tham khảo.
Tinh hoa Israel, tính năng vượt trội
Theo giới thiệu của nhà sản xuất, SPYDER của Israel được coi là một trong những tổ hợp tên lửa phòng không tân thời khi sử dụng những loại tên lửa không đối không tiên tiến bậc nhất thế giới hiện nay.
Tổ hợp này đáp ứng được các tiêu chí cả “tiến thẳng lên hiện đại” lẫn cơ động lực lượng, chuyển hoá thế trận và chống chế áp điện tử của phòng không Việt Nam.
Thứ nhất, SPYDER kết hợp các mảng ghép công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới về hệ thống Thông tin chỉ huy – Quản lý sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật – Xử lý tình báo (C4I), hệ thống khí tài trinh sát mục tiêu đường không tiên tiến và đạn tên lửa có tính năng kỹ chiến thuật ưu việt.
Đây là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo mạng lưới thông tin chỉ huy kịp thời, chính xác, bí mật và an toàn của tổ hợp trong tác chiến phòng không hiện đại.
Thứ hai, đáp ứng được tiêu chí cơ động lực lượng chuyển hoá thế trận phòng không để đảm bảo có một thế trận phòng không liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu và vững chắc.
Với kết nối mạng thông tin chỉ huy và tình báo phòng không qua khí tài vô tuyến mã hoá cự ly xa, THTLPK SPYDER còn có thể đồng bộ và hiệp đồng tác chiến với các phân đội TLPK khác loại.
Nhờ vậy sẽ tạo thành thế trận phòng không liên hoàn và hiểm hóc để tạo thế bất ngờ phản công tiêu diệt địch nhằm tạo hiệu suất chiến đấu cao nhất.
Thứ ba, SPYDER có các tính năng chống chế áp điện tử để đối phó hiệu quả và triệt tiêu ưu thế của địch trong tất cả các khâu của tác chiến phòng không từ trinh sát, phát hiện mục tiêu, đảm bảo thông tin chỉ huy và chỉ huy xạ kích.
Hệ thống radar trinh sát và chỉ thị mục tiêu EL/M-2084 của THTLPK SPYDER được thiết kế trên nền tảng công nghệ an ten mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).
Anten của loại radar này gồm nhiều phần tử bán dẫn thu phát chủ động tích hợp và có khả năng biến tần linh hoạt ở mức công suất phát rất thấp. Đây là các đặc điểm vận hành giúp loại ra đa này rất khó bị phát hiện và chế áp bởi khí tài trinh sát và chế áp điện tử của đối phương.
Hiện nay trên thế giới ít tổ hợp radar nào có được tính năng kỹ chiến thuật, đặc biệt là sự đa năng như ELM-2084.
Ngoài hệ thống radar trinh sát rất khó gây nhiễu vừa nêu, THTLPK SPYDER còn có các khí tài trinh sát quang điện tử TOPLITE trang bị cho từng xe bệ phóng để làm kênh trinh sát dự phòng trong trường hợp hệ thống trinh sát radar bị gây nhiễu hoặc phá huỷ.
Các đạn tên lửa của THTLPK SPYDER cũng được thiết kế để có thể miễn nhiễm với gây nhiễu điện tử, với các đạn có đầu tự dẫn ảnh nhiệt hồng ngoại 2 băng sóng và đạn có đầu tự dẫn ra đa chủ động.
Với việc đáp ứng các tiêu chí vừa nêu thì việc trang bị tên lửa phòng không SPYDER là phù hợp với tình hình thực tế về tổ chức thế trận phòng không, cũng như định hướng xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân trong giai đoạn hiện nay.
Bình luận