Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH (Trường Đại học Việt Pháp) vừa chính thức đưa phòng thí nghiệm hàng không hiện đại hàng đầu ở Việt Nam vào hoạt động.
TS. Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng trường USTH cho biết, Kỹ thuật hàng không đang được đánh giá là một trong những ngành học rất triển vọng trong bối cảnh các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar…gia tăng mạnh mẽ số lượng tàu bay, kéo theo nhu cầu lớn về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì.
Với lợi thế là trường đại học được hỗ trợ mạnh mẽ bởi Pháp, một quốc gia rất mạnh về hàng không, ngay từ năm đầu thành lập, trường đã tích cực làm việc với các đối tác Pháp và Việt Nam để xây dựng các chương trình đào tạo hàng không chất lượng cao, nhằm đón đầu xu hướng mới của thị trường lao động này tại Việt Nam và khu vực.
Phòng thí nghiệm thực hành Kỹ thuật Hàng không có mức đầu tư khoảng 700.000 USD (tương đương 16 tỷ đồng). Quy trình tiếp nhận các thiết bị được chia thành 3 đợt. Trong đó đợt 1 đã hoàn tất và được lắp đặt tại trường. Đợt 2 sẽ được thực hiện vào tháng 8/2019 và đợt cuối cùng sẽ được thực hiện vào cuối quý 1/2020.
Ông Đăng cho biết, năm 2018, về phía Pháp, USTH đã được hỗ trợ tài chính từ tập đoàn Airbus (khoảng 1,55 triệu USD) cùng cam kết hỗ trợ xây dựng chương trình và cử chuyên gia hàng không Pháp, châu Âu tham gia giảng dạy từ Viện Hàng không Vũ trụ Pháp (IAS) để mở ngành Kỹ thuật hàng không tại trường.
Về phía Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã cam kết tuyển dụng 30 sinh viên xuất sắc nhất tốt nghiệp mỗi năm đồng thời tạo điều kiện kiện cho sinh viên của ngành thực hành 6 tháng tại Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO).
Thí sinh đạt 3 yêu cầu sau mới chính thức là sinh viên của trường. Thứ nhất có 5 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin trung bình 6.5 điểm ở năm lớp 11 và học kỳ đầu lớp 12. Thứ hai, thí sinh có học lực khá. Thứ ba là phải vượt qua kỳ phỏng vấn. Khi trúng tuyển, sinh viên vào trường sẽ được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh trong 3 năm.
Năm ngoái, trường phỏng vấn hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhưng năm nay, có một số bạn có thể phỏng vấn bằng tiếng Việt nếu trình độ bạn đó tốt. Quá trình phỏng vấn này có sự tham gia của các chuyên gia về ngành Hàng không.
“Sinh viên theo học Hàng không sẽ được học những bài thực hành cơ bản tại phòng thí nghiệm này với sự hướng dẫn của các giảng Pháp và Việt Nam. Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không sẽ có 6 tháng thực tập trên máy bay tại Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay VAECO”, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hải Đăng nói
TS. Nguyễn Văn Tăng, giảng viên chương trình Kỹ thuật hàng không chia sẻ: “Năm đầu tiên, sinh viên sẽ được làm quen với các kiến thức cơ bản về nguyên lý hoạt động của máy bay. Đến năm thứ hai và thứ ba, sinh viên sẽ được học chuyên sâu hơn về kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Chương trình có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia đến từ Pháp và Châu Âu của Viện Vũ trụ Hàng không (IAS)".
Tháng 12/2016, Đại học Việt - Pháp ký thỏa thuận hợp tác với Bộ GD&ĐT Pháp và Tập đoàn Airbus. Đến tháng 12/2017, trường tiếp tục nhận được cam kết của Vietnam Airline trong việc tạo điều kiện cho sinh viên thực hành 6 tháng tại Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO).
Tháng 5/2018, Đại học Việt Pháp tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Airbus, Viện Hàng không Vũ trụ Pháp (IAS) và và trường Hàng không dân dụng Quốc gia Pháp (ENAC).
Bình luận