Thông tin này được Đài tiếng nói nước Nga xác nhận. Theo báo cáo Bộ KH&ĐT Việt Nam, kể từ đầu năm nay Việt Nam đã đầu tư 1,4 tỷ USD vào Liên bang Nga.
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, trong ba tháng đầu năm nay, Việt Nam đã đầu tư tổng cộng 2,65 tỷ USD trong việc thực hiện 22 dự án ở các quốc gia khác nhau. Các khoản đầu tư quan trọng nhất là đầu tư 1,4 tỷ USD của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong việc mở rộng liên doanh Nga-Việt Rusvietpetro để phát triển các mỏ dầu ở khu tự trị Nenets của Nga.
Tại Nga, đã từ lâu có sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam, - ông Oleg Vasnetsov Giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Nga-Việt nhận xét.Khai thác dầu khí tại Siberia (Nga)
“Người Việt bỏ vốn nhiều vào ngành kinh doanh nhà hàng. Việc này khá phổ biến ở Nga. Triển khai công việc khá thành đạt phải kể đến các xí nghiệp công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm với khoản đầu tư Việt Nam, trong đó có “Rollton” – cơ sở hạng lớn ở Nga về sản xuất đồ ăn nhanh. Tập đoàn INCENTRA đang khởi đầu thực hiện đề án đầu tư lớn, kiến thiết Trung tâm Văn hóa-Kinh doanh “Hà Nội-Matxcơva” tại thủ đô Nga”.
Có một đặc điểm là cho đến nay, các khoản đầu tư lớn chỉ thuộc về các công ty nhà nước. Tất cả đều gắn với khai thác dầu khí. Điển hình là Liên doanh Rusvietpetro, do hai tập đoàn Zarubezhneft của Nga và Petrovietnam tạo lập, đảm trách khai thác dầu mỏ ở vùng Cực Bắc của Nga, trong Khu tự trị Nenets nằm trên bờ Bắc Băng Dương.
Việt Nam cũng sẽ tham gia khai thác khí đốt trên địa bàn Nga. Cùng với tập đoàn “Gazprom” của Nga, “Petrovietnam” đã chung tay thành lập một liên doanh khai thác mỏ khí gas thiên nhiên trữ lượng lớn tại miền Nam Ural. Xí nghiệp liên doanh “Gazpromviet” có thể cũng sẽ tham gia công tác khai thác mỏ khí đốt lớn ở miền Bắc Nga, trong vùng tự trị Yamal-Nenets.
Tuy nhiên, mức đầu tư hiện tại của Việt Nam ở Nga vẫn còn xa mới bắt kịp được với tầm cao quan hệ chính trị Việt-Nga. Theo quan điểm của các nhà kinh doanh Việt Nam, việc đầu tư vào Nga bị cản trở vì hệ thống pháp lý và thuế quan Nga chưa hoàn chỉnh, bởi tệ quan liêu cũng như thói tham nhũng của giới quan chức.
Các chuyên viên tin rằng một địa bàn thuận tiện cho đầu tư Việt Nam có thể là vùng Viễn Đông rộng lớn của nước Nga, hiện đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nhân lực.
Vốn tư bản Việt Nam có thể hướng vào xây dựng các làng định cư dành cho người Việt, tạo lập qui trình sản xuất nông nghiệp và công nghiệp giải quyết nhu cầu của thị trường địa phương, cũng như đáp ứng đòi hỏi trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Làm như vậy sẽ mang lại lợi ích cho Nga qua sự phát triển địa bàn Viễn Đông, và cả lợi ích cho Việt Nam trên bình diện giải quyết vấn đề thất nghiệp trong nước.
Theo Tiếng nói nước Nga
Bình luận