"Chính phủ Việt Nam luôn kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ được các cơ quan quản lý điều hành một cách đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm ổn định các cân đối vĩ mô, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông tin Mỹ có thể cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 6/6.
"Có thể khẳng định Việt Nam không thực hiện và không có ý định thao túng tiền tệ nhằm giành lợi thế thương mại", bà Hằng nhấn mạnh.
Bà Hằng cũng cho biêt thêm, Ngân hàng nhà nước và các bộ, ngành liên quan đã phối hợp trao đổi với Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối. "Chúng tôi sẵn sàng trao đổi với Mỹ về những vấn đề có thể phát sinh trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế thương mại tài chính", bà Hằng cho biết.
Quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian qua, đặc biệt về kinh tế thương mại đã có những tiến triển tích cực. Các hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vừa là trọng tâm, vừa là động lực trong mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Cuối tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ thêm Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, trong đó thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ là một yếu tố xem xét.
Mỹ đưa một quốc gia vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ nếu có hai trong ba tiêu chí: thặng dư tài khoản vãng lai tương đương với 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); thặng dư thương mại với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; can thiệp thị trường liên tục thay mặt cho đồng tiền quốc gia.
Trong báo cáo được công bố, chính quyền ông Trump không gán cho bất kỳ quốc gia nào là thao túng tiền tệ để tìm cách đạt được lợi thế thương mại không công bằng so với Mỹ, nhưng đưa ra một danh sách theo dõi bao gồm chín quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, Singapore, Malaysia.
Việt Nam bị đánh giá là có thặng dư thương mại song phương và thặng dư tài khoản vãng lai (xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu hay khi tiết kiệm nhiều hơn đầu tư).
Bị gán nhãn thao túng tiền tệ không dẫn đến các trừng phạt ngay lập tức nhưng có thể gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Các quốc gia châu Á khác trong danh sách là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bình luận