Vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng thông tin về 3 nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới PLOS Biology (Mỹ).
Tuy nhiên, theo TS. Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý Phát triển khoa học Công nghệ và Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, con số 3 nhà khoa học trên là chưa chính xác.
TS Lê Văn Út cho hay, qua tìm hiểu của ông, trong công trình trên, nhóm tác giả đã đưa ra kết quả về 3 danh sách 100.000 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới (được định dạng là S1, S2, S4) thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ Cơ sở dữ liệu Scopus, Nhà xuất bản Elsevier.
Trong đó, danh sách S4 là danh giá và đáng chú ý nhất, đánh giá thành tựu trọn đời của nhà khoa học tính tới cuối năm 2017. Danh sách S1 đánh giá thành tựu 22 năm cuối của nhà khoa học từ 1/1/1996 - 31/12/2017. Danh sách S2 là danh sách đánh giá đẳng cấp mang tính tức thời của các nhà khoa học, chỉ phân tích dữ liệu trích dẫn năm 2017. Việt Nam vinh dự có ít nhất 10 nhà khoa học được vào danh sách S2, chứ không phải 3 như các báo đã đưa tin.
Trong 10 nhà khoa học Việt Nam có tên danh sách S2, Trường ĐH Y Hà Nội có PGS.TS Trần Xuân Bách, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có GS Nguyễn Thời Trung và TS Thái Hoàng Chiến.
Có 3 nhà nghiên cứu đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội là GS Nguyễn Đình Đức, PGS Lê Hoàng Sơn, GS Phạm Việt Hùng, ĐH Quốc gia TPHCM có GS Phan Thanh Sơn Nam, Trường ĐH Phenikaa có GS Nguyễn Văn Hiếu, TS Phạm Việt Thành và 1 nhà nghiên cứu của Trường ĐH Việt - Pháp là TS Trần Đình Phong.
Trong đó, ông Trần Xuân Bách được biết đến là PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2016. PGS Bách cũng vừa được ĐH Johns Hopkins (Mỹ) bổ nhiệm chức danh giáo sư tại ĐH này.
Còn ông Phan Thanh Sơn Nam là GS trẻ nhất năm 2015 hiện là Trưởng khoa kỹ thuật hóa học thuộc Trường ĐH Bách khoa, ĐH quốc gia TPHCM.
Chưa bền vững
Theo TS Út, điều đáng tâm tư khi nhìn vào kết quả nghiên cứu này là không có bất kỳ nhà khoa học nào của Việt Nam được liệt kê vào danh sách S4 và S1. Trong khi đó nhiều nhà khoa học gốc Việt đã định cư ở các cường quốc được vinh danh trong cả hai danh sách trên.
Theo tìm hiểu của PV, PGS Nguyễn Xuân Hùng, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, nằm trong top 100.000 nhà khoa học thuộc danh sách S4, nhưng những công trình của ông lại được đăng ký từ các trường ĐH nước ngoài. Ông cũng là nhà khoa học Việt Nam 5 năm liền lọt top 1% nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trên thế giới (2013-2018).
TS Út cho hay, việc xếp hạng các nhà khoa học bao giờ cũng tranh cãi, nhưng nếu bỏ qua những khác biệt về chuyên ngành thì việc này mang lại những thông tin thú vị. Ông không ngạc nhiên khi PGS Trần Xuân Bách dẫn đầu trong nhóm 10 nhà khoa học Việt Nam lọt top lần này bởi lẽ lĩnh vực của PGS Bách là y tế công cộng nên thường có rất nhiều trích dẫn.
Việc TS Lê Hoàng Sơn vươn lên đứng thứ 2 khá bất ngờ vì nghiên cứu về công nghệ thông tin và việc trích dẫn trong lĩnh vực này nhìn chung là khó. Tuy nhiên, hạng của TS Sơn khá xa so với trường hợp của TS Phạm Hùng Việt chuyên về môi trường, lĩnh vực mà lượng trích dẫn thường khá cao.
“Dù danh sách S2 mang tính tức thời nhưng việc được liệt kê vào đây cũng đã đánh dấu đẳng cấp nhất định của các nhà khoa học trên phạm vi toàn cầu. Điều quan trọng là các nhà khoa học trong danh sách này cần phải tiếp tục duy trì đẳng cấp nghiên cứu một cách bền vững hơn”, TS Út nói.
Ông thông tin thêm, TS Thái Hoàng Chiến là một nghiên cứu viên còn khá trẻ của ĐH Tôn Đức Thắng và chưa từng du học ở bất kỳ cường quốc nào. Nhà khoa học trẻ này chính là sản phẩm của nền giáo dục “made in Vietnam” bởi lẽ anh học ĐH và bảo vệ luận án tiến sĩ tại quê hương. Qua đây, có thể khẳng định môi trường làm việc là yếu tố quyết định và các nhà khoa học có thể tìm thấy những môi trường như thế ngay tại Việt Nam.
Bình luận