Grigory Mikhailovich Lokshin – Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt, chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga ngày 4/9 trên tờ báo “Độc lập” của Nga đã có bài phân tích sâu sắc về tầm vóc phát triển của Việt Nam cũng như nhận định về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt.
Mở đầu bài viết, chuyên gia Nga đã nói về chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới LB Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Ông Lokshin cũng nhận định nước Nga và Matxcơva là nơi thân thuộc với Tổng Bí thư, nơi nhà lãnh đạo Việt Nam từng có thời gian sống và nghiên cứu khoa học.
Theo bài viết, trong thời gian đầu những năm 1980 ở Liên Xô, nhà lãnh đạo của Việt Nam lúc bấy giờ đã được chứng kiến công cuộc cải cách mạnh mẽ của Liên bang Xô viết, những kinh nghiệm và bài học thực tế tích lũy ở Liên Xô, sau này được Tổng Bí thư phân tích thấu đáo, triệt để trong suốt sự nghiệp chính trị và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chuyên gia Nga đánh giá cao những tầm nhìn chiến lược, hoạch định và thực hiện những chính sách đổi mới, tăng cường sức mạnh của Đảng và hệ thống chính trị Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Lokshin cho rằng, các chiến dịch chống tham nhũng, chống lãng phí được Tổng Bí thư phát động thực hiện trong thời gian gần đây, có tác động tích cực đến xã hội và cải cách bộ máy nhà nước, không ngừng nâng cao uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Nói về cuộc hội đàm sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/9, ông Lokshin cho rằng đây là cuộc đối thoại cấp cao về các vấn đề chính trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt và các vấn đề mang tính thời sự trong khu vực. Người Nga có rất nhiều lý do để mong đợi rằng chuyến thăm này của nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ mở ra một trang mới trong mối quan hệ giữa hai nước.
''Chúng ta thường sử dụng thuật ngữ “đối tác chiến lược toàn diện” để hình dung về mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam. Tuy nhiên, bản chất của mối quan hệ này là gì? Rõ ràng, đây không phải là một liên minh quân sự để chống lại một kẻ thù chung. Nga từ lâu không còn là Liên bang Xô Viết và Việt Nam cũng đã thay hình đổi dạng rất nhiều trong hơn 30 năm đổi mới'', chuyên gia Nga nhận định.
Trong bài viết, ông Lokshin có đề cập: "Nhiều người trong chúng ta vẫn hình dung về Việt Nam như một nước nhỏ và nghèo trong khu vực Đông Nam Á, là nạn nhân của các cuộc xâm lược từ Pháp, Mỹ, nhờ vào sự hỗ trợ về quân sự của Nga mới có thể hoàn toàn độc lập, giải phóng. Việt Nam nên biết ơn Nga vì sự giúp đỡ lớn lao đó... Và trên thực tế, Việt Nam thực sự đánh giá cao những sự giúp đỡ từ phía Nga, không như một số nước khác".
"Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, chúng ta đã không chú ý đến Việt Nam trong gần 20 năm. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã thoát khỏi nghèo đói, phát triển nền kinh tế thị trường, GDP hàng năm tăng lên 6-7%. Xét về tốc độ tăng trưởng, đất nước này chỉ đứng sau Trung Quốc. Ngày nay, trong mối quan hệ với Nga, Việt Nam không còn là một “người em” cần đến sự giúp đỡ, mà là một đối tác bình đẳng về mọi mặt với Nga", ông Lokshin cho biết.
Mặc dù có nhiều nét khác biệt trong văn hóa, nhưng giữa Nga và Việt Nam có nhiều mối quan tâm chung, đặc biệt là các vấn đề an ninh ở Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
"Chúng ta gọi Việt Nam là “đối tác chiến lược toàn diện” vì trong mối quan hệ giữa hai nước bao gồm cả sự hợp tác tích cực từ kinh tế đến lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Quân đội Việt Nam được trang bị 90% vũ khí của Nga. Việt Nam là nước thứ hai sau Trung Quốc về mức độ nhập khẩu vũ khí, thiết bị quân sự từ Nga", chuyên gia hàng đầu của Nga nghiên cứu về Việt Nam cho biết.
Trong cuộc đối thoại cấp cao sắp tới, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng bàn về phương hướng phát triển lâu dài trong mối quan hệ chiến lược, đồng thời củng cố tình hữu nghị vốn là truyền thống tốt đẹp từ lâu giữa Liên bang Nga và Việt Nam.
Bình luận