Míttinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12 tại TP.HCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết mỗi năm thế giới có khoảng gần 2 triệu người mới nhiễm HIV. Toàn cầu có hơn 36,9 triệu người nhiễm HIV đang còn sống và khoảng 35,4 triệu người đã tử vong vì AIDS.
Bà Tiến cho biết năm 2018 Việt Nam chọn chủ đề "Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020". Mục tiêu là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh, 90% người chẩn đoán HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và 90% người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Đó là cơ sở và điều kiện cần thiết để tiến tới kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
"2018 là năm thứ 10 liên tiếp dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả ba tiêu chí gồm số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS", bà Tiến chia sẻ. Việt Nam là một số ít quốc gia trên thế giới áp dụng chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua quỹ bảo hiểm y tế.
Hơn 131.000 bệnh nhân Việt Nam đang được điều trị ARV. Hơn 54.000 người đang được điều trị bằng Methadone. Mỗi năm khoảng 2 triệu người được xét nghiệm HIV. Hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm.
Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Mỗi năm nước ta vẫn có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, 3.000-4.000 người tử vong.
Hiện Việt Nam có gần 80% người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh, ít nhất khoảng 50.000 người nhiễm nhưng chưa biết mình mắc bệnh. Việc xét nghiệm phát hiện bệnh sớm, điều trị ngay bằng thuốc ARV có thể giữ cơ thể khỏe, giảm nguy cơ nhiễm trùng, tránh "vô tình" lây HIV.
Số người điều trị bằng thuốc ARV hiện chỉ khoảng 70% bệnh nhân. Các nghiên cứu cho thấy người nhiễm HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ, đạt đến mức ức chế virus, nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu, hay còn gọi dưới ngưỡng phát hiện, sẽ ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường tình dục.
Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục ngày càng chiếm chủ yếu dẫn đến việc kiểm soát dịch càng khó khăn hơn. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy đang có xu hướng gia tăng trở lại. Lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm tuổi trẻ. Tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử liên quan đến HIV vẫn còn phổ biến.
Ngày 30/11 Việt Nam khởi động chương trình PrEP quốc gia nhằm giảm ca nhiễm mới HIV bằng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm. Nước ta trở thành nước thứ hai ở châu Á, sau Thái Lan, triển khai chương trình ở cấp quốc gia.
Bình luận