• Zalo

Việt Nam đang là 'mồ chôn' đối với OTT ngoại?

Kinh tếThứ Năm, 16/07/2015 11:21:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trước Viber, hàng loạt ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí (OTT) đình đám đã phải rút lui khỏi thị trường Việt Nam.

(VTC News) - Trước Viber, hàng loạt ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí (OTT) đình đám đã phải rút lui khỏi thị trường Việt Nam.

Mới đây Viber Việt Nam đã chính thức đưa ra tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam. Mặc dù hãng này khẳng định đây chỉ là sự thay đổi mang tính chiến lược nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực OTT lại cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Viber đang dần đầu hàng tại thị thị trường Việt Nam.

Còn nhớ trong vài năm trước đây khi khái niệm OTT bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, Viber với công nghệ vượt trội luôn chiếm được lượng người dùng nhiều nhất. Thậm chí đến cuối năm 2013, hãng này còn tự hào tuyên bố đã có được 8 triệu người dùng Việt mà không phải chi ra 1 đồng quảng cáo nào.
Viber là OTT mới nhất rút lui khỏi thị trường Việt Nam 
Thậm chí khi bước sang năm 2014, Viber đã tỏ ra nghiêm túc hơn đối với thị trường Việt Nam khi mở cửa văn phòng đại diện tại đây. Tuy vậy, năm này cũng là thời điểm đánh dấu sự biến mất của hàng loạt các ứng dụng OTT đình đám như KakaoTalk và LINE sau khi cạnh tranh không lại được với Zalo, một ứng dụng OTT Việt.


Cuộc chiến giữa Zalo - KakaoTalk - LINE từng được ví là còn khốc liệt hơn chiến trường với hàng trăm tỷ đồng được các bên đổ vào các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị người dùng. Tuy nhiên mặc dù thất bại ở Việt Nam nhưng cho đến này KakaoTalk và LINE vẫn là các ứng dụng OTT có lượng người dùng đông đảo nhất tại quốc gia xuất xứ của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bước sang năm 2014, Zalo lại tiếp túc thổi bùng lên cuộc chiến đối dành cho Viber. Và kết quả là tính cho tới hết 6 tháng đầu năm 2015, Viber đã chính thức "đầu hàng" với việc rút lui khỏi thị trường Việt. Và tính cho tới thời điểm này, trong khi Zalo sở hữu 30 triệu người dùng thì con số này với Viber chỉ là 23 triệu.

Như vậy, tính cho tới thời điểm hiện tại thị trường OTT Việt Nam chỉ còn là sự cạnh tranh chính của Zalo và Facebook Messenger, OTT đến từ mạng xã hội Facebook. Vẫn chưa thể khẳng định OTT nào đang chiếm lợi thế rõ rệt nhưng dừng như đây chỉ là cuộc đua song mã khi Viber gần như không được coi là đối thủ cạnh tranh xứng tầm.

Một chuyên gia trong lĩnh vực OTT nhận định, Viber rút văn phòng khỏi Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc hãng không còn coi thị trường này là trọng tâm. Mặc dù vẫn sở hữu một lượng khách hàng tương đối lớn nhưng hãng này chắc cũng đã từ bỏ cuộc đua tới ngôi vị số 1 mà thay vào đó là chiến lược giữ vững tập khách hàng hiện có của mình.

Sự cạnh tranh trong thời gian tới ở thị trường OTT Việt Nam nhiều khả năng sẽ còn khốc liệt hơn nhiều dành cho ứng dụng ngoại, bởi bên cạnh Zalo, các sản phẩm trong nước đến từ các nhà mạng như Mocha (Viettel) hay VietTalk (Vinaphone) cũng đã chính thức tham chiến.

Tuy nhiên khác với KakaoTalk, LINE hay Viber, Facebook Messenger lại là đối thủ "khủng" nhất từ trước tới nay của các OTT Việt. Với việc sở hữu lượng người dùng khổng lồ thông qua mạng xã hội Facebook, ước tính là khoảng 27 triệu người Việt thường xuyên sử dụng trên smartphone tính tới hết tháng 1/2015, có thể thấy đây là sức ép không nhỏ đối với các ứng dụng trong nước.

Ngoài ra cũng phải kể đến việc Zalo sẽ bị giảm khả năng cạnh tranh khi trong thời gian tới, nhiều khả năng Thông tư quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo sẽ bắt buộc ứng dụng này phải có thỏa thuận thương mại với nhà mạng để được cung cấp dịch vụ nhắn tin và gọi điện như hiện tại.

Trong khi đó Facebook Messenger do không có văn phòng tại Việt Nam nên hoàn toàn không bị rằng buộc bởi những quy định trên. Cũng có luồng ý kiến đặt nghi vấn, liệu hành động rút lui của Viber liệu có phải để tránh né những các rằng buộc có thể có trong thời gian tới?

Lê Vy
Bình luận
vtcnews.vn