• Zalo

Việt Nam đã chữa khỏi hơn 1 triệu ca COVID-19

Covid-19Chủ Nhật, 12/12/2021 10:17:39 +07:00Google News
(VTC News) -

Tính từ đầu dịch đến nay, tổng số ca COVID-19 ở Việt Nam được điều trị khỏi là 1.053.425 ca.

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.398.413 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính theo tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.183 ca nhiễm).

Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh ngày 11/12 cho thấy, tổng số ca COVID-19 được điều trị khỏi là 1.053.425 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.558 ca (trong đó thở ô xy qua mặt nạ 5.059 ca; thở ô xy dòng cao HFNC 1.319 ca; thở máy không xâm lấn 270 ca; thở máy xâm lấn 893 ca; ECMO 17 ca).

Việt Nam đã chữa khỏi hơn 1 triệu ca COVID-19 - 1

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 27.611 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Hiện nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 27.611 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong của Việt Nam xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, theo Bộ Y tế, trong ngày 10/12 có 720.109 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 131.816.392 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 74.713.350 liều, tiêm mũi 2 là 57.103.042 liều.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.

Đồng thời, các địa phương xây dựng hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong. 

UBND TP.HCM cũng đã có quyết định phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân.

Cụ thể, những chiến lược chính gồm: Bao phủ vaccine phòng COVID-19 đến từng người dân trên địa bàn thành phố; kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới;  quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong phòng, chống dịch; nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

Thành phố hình thành mạng lưới Trạm y tế - Trạm y tế lưu động - Tổ y tế lưu động khu phố - Tổ COVID-19 động đồng; xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho nhân viên y tế tại y tế cơ sở; thí điểm cho bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành 12 tháng tại y tế cơ sở...

Đồng thời, TP cụ thể hóa chiến lược "mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ" thành trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Ban chỉ đạo phường, xã, thị trấn sẽ trực tiếp điều hành mọi hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn...

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.393.034 ca, trong đó có 1.050.608 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (486.043), Bình Dương (286.877), Đồng Nai (91.880), Long An (39.165), Tây Ninh (37.776).

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn