• Zalo

'Việt Nam có 2 tiếng để cảnh báo nếu xảy ra sóng thần'

Thời sựThứ Tư, 26/12/2018 22:31:00 +07:00Google News

"Nếu xảy ra sóng thần, các vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng gồm 13 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu", ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nói.

Tại buổi diễn tập hệ thống cảnh báo sóng thần diễn ra sáng 26/12, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nói tình hình thiên tai trên thế giới và trong khu vực có những diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường. Trong lịch sử, ở Việt Nam chưa hề có sóng thần. Tuy nhiên nước ta vẫn có nguy cơ cao xảy ra hiện tượng này do đứt gãy tại khu vực máng biển sâu Manila (Phillipines). 

"Chỉ mất 2 tiếng để sóng thần di chuyển từ đới đứt gãy này đến khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh khu vực miền Trung của nước ta", ông Hoài thông tin thêm. 

Do đó, đề án xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ở Việt Nam đang được các đơn vị gấp rút hoàn thiện, triển khai. Đây là chương trình khoa học công nghệ nhằm khai thác, cảnh báo sóng thần để giảm thiểu thiệt hại cho người dân và chính quyền khi thiên tai xảy ra. 

songthan

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết chỉ mất 2 tiếng để sóng thần di chuyển từ đới đứt gãy vào miền Trung nước ta. (Ảnh: Mỹ Hà)

Hệ thống cảnh báo gồm các thiết bị: Loa phát còi ủ và âm thanh bằng giọng nói (phát xa tối đa 1-2 km tùy theo điều kiện thời tiết); hệ thống đèn cảnh báo 5 màu (theo 5 cấp độ rủi ro thiên tai).

Theo kịch bản diễn tập vận hành tại viện Vật lý địa cầu, quy trình vận hành hệ thống gồm các bước: Trực ban thông báo tin động đất, họp tổ chuyên gia đánh giá mức độ thiên tai, phát đi cảnh báo cho người dân qua hệ thống. 

"Với một đất nước có bờ biển dài như Việt Nam thì không thể lường trước được bao giờ sóng thần sẽ xảy ra. Nên việc tổ chức vận hành hệ thống này sau khi đã được góp ý hoàn thiện là việc quan trọng và cần làm ngay lập tức", ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết. 

Hiện, đề án đã xây dựng hoàn thiện 51 trạm quan trắc ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Dự kiến, thời gian tới hệ thống sẽ được lắp đặt thêm tại những tỉnh thành có nguy cơ xảy ra sóng thần cao nhất.

21h30 ngày 22/12, một trận sóng thần tấn công khu vực đảo Java và Sumatra làm khoảng 373 người chết và hơn 1400 người bị thương, phá hủy hàng trăm ngôi nhà. Nguyên nhân của trận sóng thần này có thể do núi lửa Anak Kraktau đang hoạt động tại eo biển Sunda gây ra.

Quan chức Indonesia cho biết hệ thống phao cảm biến sóng thần của nước này đã không hoạt động kể từ năm 2012 và không phát đi cảnh báo thảm họa khi sóng thần xảy ra hôm 22/12.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn