Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 bắt đầu vào lúc 0h30 ngày 27/7 trên sông Seine ở Paris (Pháp), dự kiến kéo dài khoảng 4 tiếng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, lễ khai mạc Thế vận hội diễn ra bên ngoài sân vận động. Đặc biệt hơn, nó được tổ chức trên sông. Các đoàn thể thao thay vì đi bộ diễu hành sẽ di chuyển bằng thuyền.
Theo tính toán của ban tổ chức, sẽ có khoảng 326.000 xem trực tiếp lễ khai mạc ở hai bờ sông Seine. Trong đó bao gồm 222.000 người có vé miễn phí trên các bến tàu nâng cao của sông Seine và 104.000 người có vé trả tiền trên các bến tàu thấp hơn. Đây là số lượng khán giả kỷ lục của bất cứ sự kiện thể thao nào trong lịch sử.
Đây là sự kiện mà không người hâm mộ thể thao nào muốn bỏ lỡ. Tuy nhiên, người hâm mộ Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ lớn không thể xem trực tiếp lễ khai mạc cũng như các cuộc tranh tài tại Olympic Paris 2024. Lý do vì đến thời điểm này vẫn chưa có đơn vị truyền thông nào ở Việt Nam sở hữu bản quyền truyền hình của Thế vận hội năm nay.
Cách đây 1 năm, người hâm mộ Việt Nam cũng không được theo dõi ASIAD 19 ở Hàng Châu, Trung Quốc vì vấn đề bản quyền. Kịch bản này rất dễ lặp lại khi tất cả các đài truyền hình lớn đều “giữ im lặng” khi Olympic Paris 2024 đã gần kề.
Thực tế, Olympic Paris 2024 đã chính thức bước vào thi đấu từ ngày 24/7 với các trận bóng đá nam. Điều này có nghĩa rất khó có bất ngờ vào phút chót như các giải World Cup, EURO trước đây.
Có nhiều lý do khiến các đơn vị truyền thông, truyền hình ở Việt Nam không còn mặn mà với ASIAD hay Olympic.
Đầu tiên là vấn đề giá cả. Giá bản quyền truyền hình Á vận hội và Thế vận hội đều tăng cao sau mỗi kỳ. Tờ Bangkok Post cho biết Thái Lan phải chi 280 tỷ đồng để sở hữu bản quyền truyền hình Olympic Paris 2024.
Thứ hai là khả năng cạnh tranh của đoàn thể thao Việt Nam không cao. Tại Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam chỉ có 16 vận động viên tham dự, tranh tài ở 11 môn với 19 nội dung trong tổng 32 môn. Hầu hết đều được dự báo khó tranh huy chương.
Bình luận