“Bước ra khỏi chiến tranh, ra khỏi khủng hoảng kinh tế của những năm 80 thế kỷ trước thì nhu cầu ổn định, mong muốn ổn định đất nước được đặt lên cao nhất. Vì vậy, mọi phấn đấu đều là trên cơ sở cho rằng ổn định là một nền tảng quan trọng thì mới có thể tạo ra được động lực phát triển. Tuy nhiên tư duy đó đến ngày hôm nay phần nào cũng đã cản trở sự năng động của nền kinh tế, phần nào cản trở bước đi tiếp theo của chúng ta” – ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nói trong bài phát biểu chỉ đạo về phát triển bền vững ở Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Diễn đàn Phát triển bền vững Việt Nam 2019, một diễn đàn quốc tế diễn ra trong hai ngày 17-18/1 tại Hà Nội.
“Do vậy trong giai đoạn này, chúng tôi xác định 10 năm tới, 20 năm tới lấy phát triển để tạo ra một sự ổn định, phải duy trì được sự tăng trưởng kinh tế, duy trì được sức mạnh về các hoạt động kinh tế trong đất nước thì mới có thể tạo ra đủ của cải, động lực để giải quyết các bài toán về xã hội, môi trường” – ông nói thêm, khẳng định tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững - với hai trụ cột xã hội và môi trường là một sự gắn kết không thể tách rời, là điều xuyên suốt trong tư tưởng chỉ đạo để xây dựng chính sách trong giai đoạn hiện nay.
Theo Thứ trưởng, với bối cảnh và trong thời điểm hiện nay, Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, quan điểm phát triển để ổn định thay cho ổn định để phát triển.
Trong bài phát biểu với chủ đề “Phát triển bền vững ở Việt Nam, các hành động định hướng chiến lược và và kết quả đạt được”, ông Lê Quang Mạnh nhận định phát triển bền vững đang trở thành một lựa chọn phổ biến của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam nhận thức được tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, môi trường là mục tiêu kép cho phát triển đất nước.
Theo thống kê, năm 2018, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,08%, có thể nói là nằm trong nhóm cao nhất khu vực, thặng dư thương mại lần đầu tiên đạt mức trên 7 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu có con số tăng trưởng ấn tượng, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh.
“Chúng tôi nhận thức được Việt Nam đang ở thời điểm hết sức quan trọng. Hoặc chúng ta có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh, tiếp tục duy trì được đà phát triển để trở thành một nước có mức thu nhập trung bình cao đến những năm 2030. Hoặc chúng ta có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình và không thoát ra được khỏi tình trạng với mức độ phát triển như ngày hôm nay nếu không giải quyết được các vấn đề xung quanh các viễn cảnh và câu chuyện tăng trưởng, các vấn đề an sinh, ổn định xã hội, các vấn đề về môi trường, các vấn đề về phân bổ nguồn lực hợp lý" - ông Lê Quang Mạnh nói trong bài phát biểu trước các đại biểu Việt Nam và quốc tế.
Theo ông Lê Quang Mạnh, khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 sắp tới, Việt Nam sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực quan trọng: Nguồn nhân lực, các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh, hiệu quả, giải pháp về môi trường, cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, bên cạnh đó là đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế. Đây cũng là những chủ đề chính được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và chính sách thảo luận tại diễn đàn.
Diễn đàn bền vững Việt Nam 2019, được tổ chức lần thứ 2 sau diễn đàn năm 2018, cung cấp nền tảng trao đổi quốc tế cho các nhà lãnh đạo toàn cầu, các nhà làm chính sách, học giả, doanh nhân, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ. Mục tiêu của diễn đàn là đạt được sự phát triển lâu dài của một xã hội công bằng và rộng mở, nơi sự phát triển thịnh vượng đi kèm với một môi trường bền vững.
Trong khuôn khổ Diễn đàn bền vững Việt Nam (VSF 2019) các hội thảo đặc biệt được tổ chức để thảo luận về lộ trình thực hiện các chính sách bền vững của Việt Nam cũng như nhấn mạnh vào việc trao đổi kinh nghiệm và phối hợp chính sách ở cấp độ quốc tế. Diễn đàn do Học viện Chính sách và Phát triển cùng Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức, với sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bình luận