• Zalo

'Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước thật không?'

Kinh tếThứ Bảy, 27/09/2014 02:20:00 +07:00Google News

(VTC News) – Gần 20 đại diện đại sứ quán và tổ chức tài chính tại Việt Nam đã đặt câu hỏi đầy ‘hoài nghi’ về công cuộc tái cơ cấu DNNN của Việt Nam hiện nay.

(VTC News) – Gần 20 đại diện đại sứ quán và tổ chức tài chính tại Việt Nam đặt câu hỏi đầy ‘hoài nghi’ về công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam hiện nay.

Thông tin này được TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 đang diễn ra tại Ninh Bình.

Theo dẫn giải của ông Thành, câu chuyện tái cơ cấu của Việt Nam đã được khởi động 3 năm, có những quyết tâm chính trị lớn, có chính sách rõ ràng, có chương trình hành động cụ thể nhưng sự chuyển biến vẫn hết sức chậm chạp.

“Tôi có cảm giác như cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang mất lòng tin vào quá trình tái cơ cấu mà chúng ta đang thực hiện. Nếu ngay bây giờ không có những giải pháp đột phá thì rất khó để trả lời câu hỏi kinh tế Việt Nam có hồi phục hay không trong năm 2015”, ông Thành chia sẻ.

Thực tế, nhìn vào bức tranh kinh tế từ năm 2012 đến hết 9 tháng đầu năm nay, có thể thấy, kinh tế Việt Nam chưa có sự cải thiện đáng kể. Lạm phát có giảm, tỷ giá tương đối ổn định, nhiều ngân hàng bước đầu tái cơ cấu… nhưng khó khăn ngân sách và nợ công còn lớn, kết quả tái cơ cấu DNNN, đầu tư công, các TCTD rất khiêm tốn.

"Nợ xấu tiếp tục tăng cho thấy kết quả xử lý không theo kịp con số tăng lên. Tính đến cuối tháng 7/2014 vẫn trên 4,11%, đạt 162,2 ngàn tỷ (so với 3,61% ở thời điểm cuối năm 2013). Đây là điểm nghẽn lớn của nền kinh tế, nếu không xử lý được rất khó kỳ vọng sự hồi phục, phát triển kinh tế trong thời gian tới", TS. Võ Trí Thành phân tích.

Tái cơ cấu các DNNN ở Việt Nam đang diễn ra chậm chạp. 
Đáng chú ý, quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN từ 2011 tới nay hầu như vẫn dậm chân tại chỗ, số đầu mối đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN vẫn không thay đổi, các cơ quan đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước tiếp tục kiêm nhiệm đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước.

Đặc biệt, việc cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong các DNNN còn diễn ra chậm chạp cho thấy đề án tái cơ cấu các DNNN dù đã được thông qua, nhưng kết quả thực hiện gần như không khả thi.

Dựa trên kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN được Chính phủ đặt ra vào cuối 2011 thì việc đến giữa 2014 mới chỉ thoái được khoảng 23% lượng vốn đầu tư ngoài ngành cho thấy quá trình thoái vốn vẫn chưa đạt.

Quá trình thoái vốn hiện tại về cơ bản vẫn là việc các DNNN chuyển phần vốn đầu tư ngoài ngành của mình sang cho các DNNN khác.

Nhận định của TS. Trần  Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn, “Xét về tổng thể nếu quá trình tiếp tục diễn biến như hiện tại thì hoặc có thể sẽ không cán được đích đề ra vào cuối 2015, hoặc nếu đạt được thì sẽ ở dưới dạng thoái vốn nội bộ khu vực DNNN, và khi đó, lại tạo gánh nặng cho quá trình cổ phần hoá DNNN”.

Theo ông Thiên, sở dĩ việc tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu DNNN nói riêng còn chậm chạp là do hậu quả của mô hình tăng trưởng cũ, của hệ thống thể chế cũ quá nặng nề nên chúng ta phải trả giá bằng sự suy yếu nghiêm trọng, kéo dài của nền kinh tế, cả DN, không đủ nguồn lực để khôi phục ổn định và phục hồi tăng trưởng.

“Chúng ta say sưa với thắng lợi, coi thường rủi ro, bất chấp nguyên tắc thị trường tối thiểu như: cho phép lập ngân hàng sở hữu chéo, cho phép ngân hàng huy động vốn lớn gấp 10 – 12 lần vốn sở hữu, cho phép DNNN đầu tư ngoài ngành 30% vốn… nên tái cơ cấu mới chậm chạp”, ông Thiên chỉ rõ.

Câu hỏi đặt ra là làm gì để quá trình tái cơ cấu DNNN thực chất hơn?

Lấy ví dụ cụ thể từ quyết tâm cổ phần hóa tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), TS. Trần Đình Thiên cho rằng bên cạnh các giải pháp mang tính đột phá, thì việc gắn trách nhiệm cá nhân trong việc triển khai các quyết định của nhà nước cần phải được quyết liệt thực hiện để tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn.

“Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng từng tuyên bố “từ nay đến cuối năm doanh nghiệp nào trong ngành không cổ phần hóa thì người đứng đầu doanh nghiệp đó phải rời khỏi vị trí. Vậy là các doanh nghiệp đành vắt chân lên để thực hiện. Tôi cho rằng, cách làm của Bộ GTVT như vậy sẽ đem lại hiệu quả trong việc cổ phần hóa DNNN vốn đang rất vướng mắc hiện nay”, ông Thiên nói.

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, tái cơ cấu DNNN không chỉ đơn giản là cổ phần hóa, mà phải thay đổi bắt đầu từ khâu quản trị. Phải đặt nó vào môi trường cạnh tranh và áp đặt kỷ luật thị trường để tạo ra những chuyển biến thực chất hơn trong tái cơ cấu.

Ông Tuyển gợi ý hàng loạt các giải pháp tăng trưởng về ngắn hạn, như đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Đặc biệt, để giải quyết nợ xây dựng cơ bản và nợ của DNNN, theo ông Tuyển cần tìm nguồn để trả như bán cổ phần của các DNNN tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giải phóng bớt gánh nặng cho các tổ chức tín dụng đi đôi với việc xử lý lãnh đạo DNNN đã gây ra nợ xấu và tái cơ cấu DNNN.

Ngoài ra, cần xem xét khả năng điều chỉnh hạ giá đồng tiền Việt Nam khoảng 3% để khuyến khích xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Dù không mấy tin tưởng vào kết quả tái cơ cấu các DNNN hiện nay, tuy nhiên ông Tuyển cũng nhận định, do yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nên trong năm 2015 nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ có mức phục hồi cao hơn và có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6 – 6,2%. 

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn