Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) được chính thức ký kết tại London, Vương quốc Anh lúc 21h ngày 29/12 (giờ Việt Nam). Do dịch COVID-19, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh không trực tiếp có mặt để ký theo thông lệ. Thay vào đó, chính phủ hai nước đã ủy quyền cho các đại sứ.
Hiện, hai bên đang gấp rút hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên, đảm bảo việc có thể thực hiện ngay Hiệp định từ 23h ngày 31/12/2020.
Trước đó, ngày 11/12, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss đã ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) tạo cơ sở để 2 nước tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký kết chính thức.
Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh.
Với UKVFTA, các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định EVFTA được duy trì. Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD.
Trong giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).
Dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh.
Tuy nhiên, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh. Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit.
Bình luận