Hội thảo còn có sự tham dự của ông Nguyễn Bá Hùng - Đại sứ Việt Nam tại Lào và đại diện hệ thống Thuế - Hải quan - Kho bạc của Bộ Tài chính hai nước.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có bài phát biểu quan trọng về quá trình xây dựng và phát triển hệ thống Kho bạc Nhà nước, Cơ quan Thuế, Hải quan theo hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương của Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác của đoàn cán bộ cấp cao Bộ Tài chính Việt Nam tại CHDCND Lào, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ có buổi tiếp kiến Thủ tướng CHDCND Lào và tham dự cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình hợp tác giữa Bộ Tài chính hai nước.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Hơn 30 năm trước - năm 1986, Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới mà trước hết là đổi mới về tư duy để chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để bước vào đổi mới toàn diện.
Trong bối cảnh đó, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước được đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và yêu cầu xây dựng, thiết lập hệ thống thể chế kinh tế thị trường, trong đó lĩnh vực tài chính có vai trò quan trọng và được triển khai sớm với việc thiết lập hệ thống Kho bạc nhà nước và hệ thống cơ quan thuế theo mô hình ngành dọc từ trung ương đến địa phương thuộc Bộ Tài chính.
Thực tiễn đã cho thấy sự đúng đắn và hiệu quả của mô hình ngành dọc đối với các cơ quan trên và mô hình đó đã góp phần quan trọng vào những kết quả và thành tựu trong lĩnh vực tài chính, ngân sách của Việt Nam trong những năm qua.
Chia sẻ về những thế mạnh và hiệu quả của mô hình ngành dọc và một số bài học kinh nghiệm sau 25 năm xây dựng và phát triển của hệ thống Kho bạc Nhà nước, Thuế và Hải quan theo mô hình ngành dọc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh cả về tổ chức bộ máy, năng lực và hiệu quả quản lý, công nghệ quản lý, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đến nay đã cơ bản tiệm cận được với hệ thống kho bạc, thuế, hải quan của các quốc gia phát triển trên thế giới.
Những kết quả đó góp phần thúc đẩy đổi mới và hoàn thiện hệ thống thể chế tài chính; tập trung động viên nhanh nhất các nguồn lực cho ngân sách nhà nước; góp phần phân bổ có hiệu quả các nguồn lực và bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, hệ thống thuế, hải quan theo mô hình ngành dọc là công cụ hữu hiệu giúp nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bảo đảm hiệu quả phối hợp giữa Bộ Tài chính, các tổng cục với các cấp chính quyền địa phương trong quản lý cán bộ của hệ thống kho bạc, thuế, hải quan.
Không những vậy, mô hình tổ chức theo ngành dọc vừa đòi hỏi, vừa tạo điều kiện cho hiện đại hóa quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực; tạo điều kiện đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm trong mua sắm tài sản công.
Với kinh nghiệm của Việt Nam sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển theo mô hình tổ chức ngành dọc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm được Bộ Tài chính Việt Nam tổng kết gồm:
Thứ nhất, việc tổ chức theo ngành dọc là yêu cầu khách quan trong công tác quản lý nhà nước theo cơ chế thị trường. Theo đó, các chủ thể kinh tế ngày càng đa dạng và xuất hiện nhiều mô hình liên doanh, liên kết phức tạp; lĩnh vực hoạt động rộng, địa bàn hoạt động ngày càng lớn trên phạm vi cả nước và xuyên biên giới. Trong bối cảnh đó, cần thiết phải thay đổi cả về phương thức quản lý và mô hình tổ chức, thay vì quản lý theo chiều ngang chuyển sang quản lý theo chiều dọc, quản lý phân tán sang quản lý tập trung.
Bên cạnh đó, để đất nước phát triển nhanh và bền vững cần thiết phải tập trung nhanh và cao độ mọi nguồn lực để đầu tư cho các mục tiêu chiến lược đã được Đảng và nhà nước đề ra, tạo ra nhưng cú hích mạnh đưa nền kinh tế phát triển trong tương lai, ví dụ như đường dây 500 KV; các nhà máy Thủy điện Hòa bình, Sơn La, Lai Châu; các đường cao tốc, sân bay, bến cảng…
Thứ hai, phải có khung khổ pháp lý đầy đủ, rõ ràng, linh hoạt quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc nhà nước. Khuôn khổ pháp lý được qui định ở Nghị định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự linh hoạt, không qui định cứng tại Luật.
Các quy định về phân công, phân cấp quản lý cán bộ cũng cần phải rõ ràng giữa Bộ Tài chính và các Tổng cục; giữa Bộ Tài chính với chính quyền các cấp ở địa phương trong quản lý cán bộ tại các tổng cục.
Thứ ba, mô hình hệ thống theo ngành dọc cho phép tập trung nhanh và sử dụng hiệu quả nguồn lực thuộc ngân sách nhà nước. Lợi ích của mô hình ngành dọc đối với 3 cơ quan Kho bạc nhà nước, thuế, hải quan là rõ ràng, nhưng để triển khai thực hiện là đòi hỏi phải có sự quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thứ tư, mô hình hệ thống ngành dọc có sự quan hệ qua lại với tăng trưởng và phát triển kinh tế, thu ngân sách nhà nước. Hệ thống ngành dọc giúp quản lý có hiệu quả, tập trung được nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước.
Khi kinh tế tăng trưởng, tăng thu ngân sách, thì hệ thống ngành dọc sẽ được tạo điều kiện để tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, hiện đại hóa và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế và quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.
Thứ năm, do có sự song trùng lãnh đạo nên sự phối hợp của Bộ Tài chính với cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan này ở địa phương là hết sức quan trọng. Hơn 25 năm qua, quan hệ phối hợp giữa Bộ Tài chính và chính quyền cấp tỉnh trong chỉ đạo 3 hệ thống cơ quan trên luôn bảo đảm thống nhất và chặt chẽ.
Thực tiễn cũng cho thấy, việc tổ chức theo ngành dọc của các cơ quan này là yêu cầu khách quan trong quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Đồng thời, mô hình này cũng góp phần quan trọng trong việc tập trung và điều tiết kịp thời nguồn thu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách ở cả trung ương và địa phương, phục vụ tốt nhất nhiệm vụ chi tiêu của nhà nước và đáp ứng nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, để xây dựng thành công mô hình tổng cục tổ chức theo ngành dọc cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; xây dựng địa vị pháp lý và mô hình tổ chức của các cơ quan đó, tiếp đến là xây dựng bộ máy và cán bộ, hoàn thiện hệ thống luật pháp và qui trình thủ tục, gắn với hiện đại hóa quản lý, nhất là hệ thống công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực. Bài học kinh nghiệm của Việt Nam hy vọng sẽ là một cơ sở để các bạn cân nhắc, lựa chọn bước đi thích hợp cho việc hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống kho bạc, thuế và hải quan.
Với mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định Bộ Tài chính Việt Nam luôn nỗ lực hết mình, sẵn sàng cùng Bộ Tài chính Lào xây dựng thành công hệ thống Kho bạc, Thuế, Hải quan theo mô hình ngành dọc triển khai trong toàn quốc.
Bình luận