Hai nước đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, tin tưởng về chính trị, tăng cường hợp tác và hỗ trợ kinh tế. Vào năm 2014, quan hệ hai nước được nâng cấp lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”.
Có thể khẳng định mối quan hệ hữu nghị, thân thiện Việt Nam - Nhật Bản hiện nay là sự nỗ lực và thiện chí của hai chính phủ trong suốt hơn 40 năm qua.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến một yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của mối quan hệ này, đó chính là sự kết nối tự nhiên giữa hai quốc gia, hai dân tộc có nhiều điểm tương đồng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tiếp tục đà phát triển mối quan hệ tốt đẹp đó, từ ngày 04-08/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chuyến thăm Nhật Bản lần thứ hai kể từ khi nhậm chức (chuyến thăm lần đầu diễn ra vào tháng 5/2016) và tham dự hội nghị “Tương lai châu Á”.
Điều thú vị là chỉ trong nửa đầu năm 2017, hai nước đã có những hoạt động trao đổi đoàn cấp cao hết sức sôi nổi (Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã tới thăm Việt Nam lần lượt vào tháng 1 và tháng 3). Các hoạt động này tiếp tục khẳng định mối quan hệ đối tác, sự gắn bó mật thiết trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Trong những năm qua hợp tác chính trị giữa hai nước liên tục được củng cố và tăng cường, ngày càng đi vào thực chất, trên cơ sở lợi ích chiến lược tương đồng. Quan hệ hai nước được đánh giá đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều lượt trao đổi đoàn cấp cao và các cấp cũng như phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động đơn phương thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông; kiên trì ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Nói đến quan hệ Việt - Nhật, không thể không nhắc đến mối quan hệ hợp tác kinh tế đặc biệt và sâu rộng. Nhật Bản tiếp tục là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ ba về du lịch của Việt Nam.
Tính đến hết năm 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2016 đã đạt gần 30 tỷ USD và phấn đấu tăng gấp đôi đến năm 2020. Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Mối quan hệ tốt đẹp về chính trị đã tạo đà cho các hoạt động hợp tác kinh tế phát triển và ở chiều ngược lại, kết quả tích cực của hợp tác kinh tế song phương cũng góp phần củng cố lòng tin chính trị chiến lược, thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa hai nước.
Cùng với sự mở rộng quan hệ kinh tế, hợp tác văn hóa, giao lưu giữa nhân dân hai nước cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Đây cũng là điều dễ hiểu khi đi kèm với hợp tác kinh tế song phương ngày một sâu rộng, ngày càng có nhiều người Việt học, sử dụng tiếng Nhật và làm việc tại các công ty tại Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, khó có thể đếm hết số lượng các kỹ sư, cán bộ, giảng viên, v.v. người Nhật đang sống và làm việc tại Việt Nam. Sự tương đồng về văn hóa, tính cách chân tình, cởi mở, thân thiện đã tạo thành một mối liên kết tự nhiên giữa người Việt Nam với người Nhật Bản, khiến cho người dân hai nước nhanh chóng hòa nhập với đất nước, con người của nhau.
Trên cơ sở đó, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được kỳ vọng sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả, toàn diện, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, nhân dân, tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc.
Với ưu thế về vốn, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý của Nhật Bản và nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng của Việt Nam, hai nước có thể phát huy tối đa lợi thế bổ sung cho nhau, tăng cường tính kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng như phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hợp tác lao động, v.v.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để hai nước thắt chặt, đẩy mạnh hợp tác về an ninh - quốc phòng; hỗ trợ lẫn nhau trong công tác cứu hộ, cứu nạn; chia sẻ, tham khảo các kinh nghiệm giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển; góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Bình luận