Ngày 19/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019. Tại đây, ông Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày bản tham luận Giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội từ cách tiếp cận văn hóa.
Được sự đồng ý của Viện trưởng Bùi Hoài Sơn, Báo VTC News trích đăng bản tham luận.
Đạo đức xã hội xuống cấp là một vấn đề thực sự đáng lo ngại ở nước ta hiện nay. Thử tra Google từ đạo đức xã hội xuống cấp thì chỉ trong 0,62 giây có khoảng 16.800.000 kết quả (cập nhật lúc 17h09 ngày 25/6/2018). Con số này nói lên rất nhiều điều, trong đó đặc biệt là tâm trạng lo lắng của toàn xã hội đối với vấn đề gây bức xúc đối với cả dân tộc.
Ngay trong Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội năm 2018, khi nói về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nhấn mạnh: “Ngăn chặn tình trạng này là vấn đề căn bản, cốt lõi để xây dựng một xã hội văn minh, an toàn, giàu tính nhân văn và củng cố giá trị văn hóa, đạo đức – nền tảng của sức mạnh dân tộc trong dòng chảy hội nhập.”
Như vậy, tất cả mọi người đều nhận thức được sự tai hại của đạo đức xã hội xuống cấp đối với sự phát triển của dân tộc nhưng câu hỏi quan trọng là sự xuống cấp đó từ đâu mà ra thì hẳn là có rất nhiều câu trả lời. Câu trả lời nào cũng có lý do của nó, và giải pháp cho những câu trả lời đó thì giải pháp nào cũng khó mà thực hiện một cách thấu đáo, bền vững. Từ cách tiếp cận của văn hóa cũng như vậy.
Xét ở một khía cạnh nào đó, văn hóa là sản phẩm của một xã hội. Tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều phản ánh vào văn hóa. Sự xuống cấp đạo đức cũng nằm trong một bối cảnh chung như thế.
Xét theo chiều lịch đại, chúng ta thấy sự thay đổi nhanh chóng của xã hội Việt Nam. Nhiều thành tựu chính trị, kinh tế, xã hội và cả văn hóa đã được người dân chứng kiến, đặc biệt từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc Đổi mới.
Tuy nhiên, không có bất cứ thứ gì không có mặt trái của nó. Sự mở cửa về kinh tế, xã hội, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, bên cạnh những tác động tích cực, cũng để lại rất nhiều hệ lụy.
Ở góc độ văn hóa, sự thay đổi xã hội khiến cho lô-gic vận hành của văn hóa thay đổi, ở đây, đó là những vấn đề của định hướng giá trị, thói quen và phong tục, tập quán của một xã hội đang trên đà chuyển đổi.
Với định hướng giá trị, thì đó là những giá trị cũ, có những thứ không còn thích hợp thì chưa mất hẳn, còn những giá trị mới, phù hợp hơn thì chưa thực sự định hình. Có những tấm gương đạo đức trước kia có tác dụng rất lớn, giờ không còn đóng đúng vị trí của nó nữa! Xã hội rơi vào tình trạng khủng hoảng giá trị.
Từ khủng hoảng giá trị dẫn đến mất niềm tin và định hướng trong xã hội, và đó là lý do quan trọng của tình trạng xuống cấp đạo đức vì xung đột và khủng hoảng giá trị và niềm tin. Kể cả những nghề được xã hội coi trọng, xem là cao quý như nghề giáo và nghề Y đang chứng kiến nhiều hiện tượng xuống cấp đạo đức cũng chính vì những lý do này.
Sự thay đổi thói quen, phong tục, tập quán cũng trong vòng quay như vậy. Những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc giờ đây bị thách thức bởi những thói quen mới được ra đời từ cuộc sống giàu sang và tiện nghi hơn, bị quyến rũ bởi những thông tin về cuộc sống xa lạ ở các xã hội xa lạ.
Tất cả khiến cho nhiều chủ nhân tương lai của xã hội (thế hệ trẻ) lạc lối trong cách xác định lý tưởng sống cũng như phong cách sống. Những lối sống mới xa lạ, đua đòi, những phong cách thời trang, nghệ thuật không phù hợp với chuẩn mực đạo đức dân tộc đã khiến cho xã hội trở nên hỗn loạn hơn, và đó cũng là nguyên nhân của sự xuống cấp đạo đức trong xã hội xét từ cách nhìn văn hóa.
Chắc sẽ còn nhiều hơn nữa những lý do giải thích cho sự xuống cấp đạo đức nhưng câu trả lời cho giải pháp nào để giúp giảm bớt và tiến tới loại trừ hẳn hiện tượng tiêu cực này có lẽ sẽ quan trọng hơn việc mải miết đi tìm nguồn gốc mà không đưa ra những cách làm hữu hiệu để loại bỏ nó. Ở đây, người viết bài này chỉ đề xuất một vài gợi ý nhỏ cho một vấn đề lớn từ góc độ văn hóa, đó là:
Đầu tiên, chúng ta cần quan tâm hơn đến vai trò của nghệ thuật trong việc xây dựng hình tượng con người mới, xác định những giá trị xã hội mới được xã hội tôn vinh.
Trước kia, cha ông chúng ta chỉ sử dụng các loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương, sử dụng tục ngữ, dân ca để chuyển tải các thông điệp nhân văn, mà giáo huấn được cả xã hội đi theo tiếng gọi của lương tri, đạo đức. Bối cảnh xã hội khác không cho phép chúng ta chỉ sử dụng những biện pháp cũ nhưng nếu chúng ta đầu tư cho nghệ thuật, hình thành những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân trong xã hội, thì sức lan tỏa của các thông điệp từ nghệ thuật có tác dụng cao hơn nhiều lời hiệu triệu;
Tiếp đến là việc xây dựng và củng cố hệ thống các quy tắc đạo đức trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghề giáo, nghề Y hay bất kỳ một ngành nghề nào cũng có một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Bộ quy tắc đạo đức ấy sẽ giúp đạo đức xã hội được ổn định trong từng nhóm nhỏ, rồi từ đó lan ra toàn xã hội; (Việc hội nhà báo vừa cho ra đời qui tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là một ví dụ cho thấy chúng ta cần có thêm các bộ qui tắc ứng xử, qui tắc đạo đức cho các lĩnh vực khác nhau để bảo đảm sự ổn định, rõ ràng trong hành vi ứng xử của từng nhóm xã hội trong những lĩnh vực hoạt động cụ thể).
Cuối cùng là sự giúp sức của các phương tiện truyền thông trong việc truyền đi thông điệp tích cực về những lối sống đẹp, những tấm lòng nhân ái trong xã hội, và hình thành một dư luận xã hội ủng hộ cái chân-thiện-mỹ. Về bản chất, xã hội là tốt, và con người là hướng thiện. Để cái tốt và lòng hướng thiện lan tỏa trong xã hội sẽ khiến cho cuộc sống đẹp hơn.
Chính cái thiện, cái đẹp của văn hóa trong xã hội sẽ giúp đẩy lùi tệ nạn và cái xấu, và từ đó, đạo đức tốt đẹp trong xã hội sẽ dần trở lại.Và từ đó, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, và là hệ điều tiết cho sự phát triển xã hội.
Bình luận