Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 15/8, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) tiếp tục đeo đuổi vấn đề nhiều lần chất vấn, liên quan đến vụ án gỗ trắc ở Quảng Trị.
Ông Thắng dẫn lại phần trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 20/3 về xử lý vụ án ra quyết định trái pháp luật tại cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng do không có cơ quan nào giám định, định giá lô gỗ vật chứng đã bán đi một cách khuất tất nên không có cơ sở đánh giá hậu quả, hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, mặc dù vụ án đã được khởi tố nhưng đến nay phải đình chỉ.
"Vậy theo Bộ trưởng, trách nhiệm giám định này thuộc về cơ quan nào? Bộ trưởng có giải pháp gì để việc giám định vụ việc này được thực hiện và khi nào sẽ hoàn tất giám định?", đại biểu tỉnh Quảng Trị chất vấn.
Vị đại biểu Quốc hội cũng gửi Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí ý kiến, tại sao cùng một lô gỗ vật chứng các cơ quan tố tụng đã căn cứ vào kết quả giám định, định giá trước đó để làm cơ sở buộc tội các bị cáo, nay lại bảo chưa có cơ sở giám định, định giá để xem xét hậu quả hành vi vi phạm bán vật chứng trái phép nên không có căn cứ khởi tố bị can.
"Nói như Viện trưởng thì chẳng lẽ cả hệ thống tư pháp đành bó tay để tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Như vậy có mâu thuẫn không?", đại biểu Thắng đặt vấn đề.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay Bộ Tư pháp tham gia vào việc duy nhất trong vụ gỗ trắc ở Quảng Trị là trả lời văn bản rằng các tổ chức giám định chưa được công bố trong danh sách có đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp để làm việc này không.
"Chúng tôi nói là đủ, cụ thể là Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật đủ điều kiện. Chúng tôi chỉ khẳng định về mặt hình thức và quy định của pháp luật về giám định. Bộ Tư pháp không có thẩm quyền đi vào nội dung", ông Lê Thành Long nói.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long về vấn đề này, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nói: "Đây là lần thứ 10 tôi được hỏi và trả lời về vụ án này. Đây là 2 vụ án, một là vụ án buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đã được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Hai là vụ án ra quyết định trái pháp luật, tức là quyết định xử lý vật chứng trái pháp luật của cơ quan điều tra, đang tạm đình chỉ".
Trước ý kiến đại biểu cho rằng, cùng một lô gỗ nhưng với vụ buôn lậu thì xử lý được, còn vụ ra quyết định trái pháp luật lại chưa làm được, phải đình chỉ, Viện trưởng Lê Minh Trí giải thích đang tạm đình chỉ không phải vì "luật pháp bó tay" mà khi có kết quả hoặc căn cứ pháp luật sẽ phục hồi điều tra.
"Cơ quan điều tra của VKSND tối cao hiện nay thực hiện biện pháp tố tụng là tạm đình chỉ chứ không phải đình chỉ. Bởi trong quá trình điều tra, thời hạn điều tra là có thời hạn nhưng thời hạn giám định chưa xác định cụ thể trong luật nên cơ quan giám định trả lời chậm trễ, hết hạn nên chúng tôi phải tạm đình chỉ", Viện trưởng VKSND tối cao lý giải.
Theo ông Lê Minh Trí, thời gian qua, Cơ quan điều tra của VKSND tối cao gửi 4 cơ quan có chức năng để giám định hậu quả thiệt hại của vụ án ra quyết định trái pháp luật.
Trong đó, 2 cơ quan Hội đồng định giá tài sản của Quảng Trị và Đà Nẵng trả lời gỗ không còn, gỗ quý hiếm, không có cơ sở định giá. Bộ Tài chính trả lời không thuộc thẩm quyền định giá của Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chưa đầy đủ căn cứ cơ sở pháp lý theo quy định chuyên môn về hoạt động của hội đồng định giá tài sản. Có nghĩa là tới giờ này, 4 cơ quan chức năng chưa cho ra ra kết quả nên không có xác định hậu quả thiệt hại.
Ông Lê Minh Trí một lần nữa khẳng định, đây là 2 vụ án khác nhau, đối tượng và thời điểm xác định hậu quả là khác nhau. Với hành vi buôn lậu thì việc xác định căn cứ số lượng, chủng loại quy ra tiền ở thời điểm đó. Còn vụ này xác định hậu quả ở thời điểm ra quyết định trái pháp luật, nhưng có đặc điểm lô vật chứng bán rồi nên không còn giám định thực tế được, phải giám định theo nguyên tắc khác thì cơ quan chức năng chưa đưa ra quyết định.
Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh Cơ quan điều tra của VKSND tối cao cũng thực hiện đúng trách nhiệm và đúng quy định, khi chưa có căn cứ kết quả giám định thì cơ quan điều tra chưa thể tiếp tục thực hiện chức năng điều tra mà phải tạm đình chỉ để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng nếu đi sâu quá vào nội dung vụ án sẽ vượt khỏi phạm vi nội dung phiên chất vấn hôm nay. Ông đề nghị ĐBQH tiếp tục chất vấn bằng văn bản, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục trả lời thêm.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 17/12/2011, ông Trương Huy Liệu và vợ là bà Trần Thị Dung - chủ Công ty TNHH Ngọc Hưng - làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) nhập từ Lào về 535,8 m3 gỗ trắc và nộp thuế đủ.
Hai ngày sau xuất lô gỗ đi Hồng Kông, trên đường chở xuống cảng Đà Nẵng thì bị bắt giữ. Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan sau đó đã khởi tố vụ án “Buôn lậu” vào ngày 6/4/2012, giao hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an điều tra.
Vụ án đang trong quá trình điều tra thì C44 đã bán lô gỗ vào ngày 13/01/2014 được hơn 63 tỷ đồng. Sau đó, kết luận điều tra cũng như cáo trạng buộc tội “buôn lậu” lô gỗ này.
Quá trình xét xử sơ thẩm, TAND TP Đà Nẵng 3 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, đến lần thứ tư vào ngày 23/8/2018 tuyên tội “Buôn lậu” 21,506 m3 gỗ giáng hương (do giám định lần thứ nhất kết luận có số gỗ giáng hương này). Bản án sơ thẩm phạt ông Liệu 1 năm 16 ngày tù (đúng bằng thời gian tạm giam), bà Trần Thị Dung 9 tháng tù treo.
Có 3 công chức hải quan liên quan bị buộc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bị phạt mỗi người từ 6 - 18 tháng tù treo.
Bản án sơ thẩm tuyên trả lại cho vợ chồng ông Liệu số gỗ trắc không “buôn lậu”.
Các bị cáo kháng án. Phiên tòa phúc thẩm ngày 26/7/2019 tuyên “Buôn lậu” 78,872 m3 gỗ, tăng mức phạt ông Liệu lên 7 năm tù giam, bà Dung lên 3 năm tù treo.
Sau đó, ngày 5/11/2019, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ký quyết định tịch thu tang vật sung công quỹ số tiền hơn 59 tỷ đồng.
Quyết định này bị bà Dung đại diện cho Công ty TNHH Ngọc Hưng kiện ra TAND tỉnh Quảng Trị, và được thụ lý ngày 02/12/2019.
Về việc bán lô gỗ vật chứng, ngày 31/5/2019, Cơ quan điều tra VKSND tối cao ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại điều 371 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại C44, Bộ Công an.
Đến ngày 10/9/2019, Cơ quan điều tra VKSND tối cao ra quyết định khởi tố bị can Phan Văn Vĩnh - cựu Trung tướng, nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Vụ án này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, TP Đà Nẵng và Ban Dân nguyện, Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhiều lần yêu cầu cơ quan tố tụng xem xét, tiến hành thủ tục giám đốc thẩm.
Bình luận