(VTC News) – Khi giá viện phí tăng, Bộ Y tế có 2 phương án với mức đóng phí bảo hiểm: Sẽ không tăng hoặc tăng lên 5%.
Tăng hay không tăng?Trước vấn đề này, Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 -2015 và 2020 do Bộ Y tế soạn thảo đã đưa ra 2 phương án thu phí mua bảo hiểm.
Lương tối thiểu năm 2012 là 1.050.000 đồng và từ năm 2013- 2015 mỗi năm tăng 30%, mức lương hưu mỗi năm tăng 15%.
Năm 2013, trong các đối tượng tham gia bảo hiểm thì học sinh, sinh viên dự kiến có mức hỗ trợ tăng lên mức 50% từ mức cũ là 30%.
Các đối tượng khác như cận nghèo được hỗ trợ giữ nguyên là 70%, nông dân có mức sống trung bình được hỗ trợ 30%
Theo phương án này, số tiền từ ngân sách nhà nước để đóng (toàn bộ mức đóng) và hỗ trợ một phần mức đóng cho các đối tượng dao động trong khoảng 39- 42,3 % tổng số thu bảo hiểm y tế (BHYT).
Năm 2011, tổng số tiền thu BHYT là 31.651 tỷ đồng trong đó, ngân sách nhà nước đóng 13.108 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41,4%. Dự kiến năm nay, tổng thu BHYT đạt 40.304 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 16.288 tỷ đồng.
Phương án 2 là mức đóng tăng lên 5% và lương tối thiểu tăng theo lộ trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ.
Cụ thể, từ năm 2013, mức đóng BHYT bằng 5% mức tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp BHXH hoặc mức lương tối thiểu, riêng HSSV và thân nhân nười lao động đóng 3,3% mức lương tối thiểu.
Lương tối thiểu năm 2012 là 1.050.000 đồng và từ năm 2013- 2015 mỗi năm tăng 30%, mức lương hưu mỗi năm tăng 15%.
Như vậy, số tiền từ ngân sách nhà nước để đóng (toàn bộ mức đóng) và hỗ trợ một phần mức đóng cho các đối tượng dao động trong khoảng 41- 44,3 % tổng số thu BHYT. Tuy nhiên, người dân có phải đóng tăng hay không còn chờ chính phủ phê duyệt.
Năm 2012: Mức đóng giữ nguyên
Mục tiêu mà Bộ Y tế đưa ra trong đề án này là tăng tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm. Đến năm 2015, đạt tỷ lệ trên 75% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT.
Nếu tham gia đầy đủ, sẽ có khoảng 23 triệu học sinh sinh viên, 10 triệu người cận nghèo tham gia BHYT và 12 triệu người lao động trong các doanh nghiệp tham gia BHYT.
Đối với nhóm thân nhân người lao động được quy định là có trách nhiệm tham gia BHYT vào năm 2012, nếu tính bình quân mỗi người lao động có 1 người phụ thuộc thì với khoảng 12 triệu người lao động, chúng ta sẽ bao phủ thêm được 12 triệu người.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: với chi phí mua thẻ bảo hiểm chỉ khoảng 30 USD, người dân đã được hưởng khá nhiều lợi ích. Mức chi phí này đã được nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng. Nếu người dân hiểu được ý nghĩa và giá trị sức khỏe của mình thì sẽ không ngại ngần bỏ tiền ra để mua bảo hiểm.
Bộ Y tế còn trình Chính phủ phương án ứng tiền mua trước thẻ bảo hiểm cho người nghèo trong thời gian tới.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định: Trong giai đoạn ngắn hạn, bảo hiểm sẽ tự cân đối nguồn thu và kinh phí dự phòng. Đến lúc không đủ kinh phí mới phải đề nghị tăng mức đóng lên 5%.
Tuy không tăng mức thu phí bảo hiểm y tế trong năm nay, nhưng ông Sơn cũng nói: "Chúng tôi vẫn phải chuẩn bị phương án để nâng mức đóng dù mức đóng trong năm 2013 chưa có sự thống nhất cao giữa các nhóm tính toán. Quỹ bảo hiểm y tế là quỹ ngắn hạn. Mức đầu vào và đầu ra có thể khác nhau do tần suất khám chữa bệnh khác nhau nên khó để nói là nó có thể chịu đựng trong bao lâu ở mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay khi mức viện phí cần chi trả cho người bệnh tăng".
Giải pháp để có thể cân đối thu chi khi mức phí bảo hiểm y tế năm 2012 không tăng, ông Sơn bày tỏ: "Chúng tôi sẽ tăng cường công tác giám định bảo hiểm".
Nguyễn Tâm
Bình luận