• Zalo

Viễn cảnh Quốc hội Mỹ sau khi đảng Cộng hòa nắm Hạ viện

Thời sự quốc tếThứ Năm, 17/11/2022 14:34:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc đảng Cộng hòa nắm Hạ viện là sức nóng đầu tiên phà hơi vào không khí lưỡng đảng sau kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ.

Một chiến thắng dường như khá vất vả để đạt được cho đảng Cộng hòa, khi hôm 16/11 (giờ địa phương), ứng viên Mike Garcia vươn lên giành ghế hạ nghị sĩ tại khu vực bầu cử số 27 bang California. Đảng này như vậy đã có đủ đa số 218 ghế, trên tổng số 435 ghế của Hạ viện.

Cuộc bầu cử dù vậy vẫn chưa kết thúc. Các cuộc đua còn lại sẽ quyết định mức đa số hẹp mà phe Cộng hòa giành được tại viện này, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến số lượng phiếu bầu lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện – người sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch Hạ viện.

Trước bầu cử giữa kỳ, lưỡng viện Mỹ vốn đều đang do đảng Dân chủ kiểm soát. Nay việc đảng Cộng hòa giành Hạ viện, đảng Dân chủ duy trì nắm Thượng viện được cho là sẽ định hình lại cán cân quyền lực của Washington. Tại Hạ viện, đảng Cộng hòa có khả năng phủ quyết các chương trình nghị sự của tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden hai năm tiếp theo trong nhiệm kỳ của ông.

Viễn cảnh Quốc hội Mỹ sau khi đảng Cộng hòa nắm Hạ viện - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh BBC)

Đảng Cộng hòa sẽ làm gì?

Nhìn chung, những việc đảng Cộng hòa có thể làm sau khi giành ưu thế tại Hạ viện tập trung vào ba phương diện: ngăn chặn các chương trình nghị sự của đảng Dân chủ, thúc đẩy các chương trình của đảng Cộng hòa, và chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Đầu tiên, họ có thể mở hàng loạt cuộc điều tra đối với chính quyền Tổng thống Biden. Các đảng viên đảng này từng đề cập khả năng mở các cuộc điều tra cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, các chính sách biên giới do Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas giám sát, hoạt động của chính phủ trong đại dịch COVID-19, chiến dịch khám xét dinh thự cựu Tổng thống Donald Trump của FBI và các giao dịch kinh doanh mờ ám liên quan đến con trai của Tổng thống Biden - Hunter Biden.

Một sự vụ đáng chú ý khác có khả năng được lật lại là cuộc điều tra sự kiện bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump là nguyên nhân chính dẫn đến sự kiện này.

Ngay cả trước khi chiếm đa số trong Hạ viện, một số cuộc điều tra do các thành viên đảng Cộng hòa tiến hành đã bắt đầu có kết quả. Chẳng hạn, thẩm phán liên bang ở Louisiana hôm 14/11 đã ra lệnh sa thải một quan chức an ninh mạng của Cục điều tra liên bang (FBI) trong vụ kiện cáo buộc FBI đã ép buộc nhiều công ty mạng xã hội kiểm duyệt thông tin về bê bối của Hunter Biden trước cuộc bầu cử năm 2020.

Vẫn chưa rõ lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Hạ viện Kevin McCarthy sẵn sàng đi bao xa khi sử dụng sự kiện ngày 6/1 và cuộc bầu cử Tổng thống 2020 để gây sức ép đối với chính quyền ông Biden, nhưng một số đảng viên Cộng hòa cho rằng việc lật lại vấn đề trong bầu cử năm 2020 sẽ giúp họ rất nhiều trong chương trình nghị sự sắp tới.

Về các dự luật, theo CNN, Tổng thống Mỹ Biden có thể thực hiện quyền phủ quyết đối với các dự luật được Hạ viện thông qua hoặc các dự luật do phe đa số ở Hạ viện đưa ra. Nhưng các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện vẫn có thể thúc đẩy một số dự luật mang tính thông điệp giúp nổi bật chương trình nghị sự của họ.

Trước đó, ông McCarthy cho biết đảng Cộng hòa đã vạch ra các kế hoạch nắm quyền của mình, bao gồm giải quyết lạm phát, tỷ lệ tội phạm gia tăng và an ninh biên giới - ba vấn đề trọng tâm trong chương trình vận động tranh cử của nhiều ứng viên đảng Cộng hòa ở cả lưỡng viện.

Theo nguồn tin riêng của CNN, trong cuộc họp kín trước cuộc bỏ phiếu lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Hạ viện, McCarthy cam kết ông sẽ tước bỏ mọi quyền lực của đảng Dân chủ, như việc loại một số nghị sĩ Dân chủ khỏi các uỷ ban quan trọng của Hạ viện.

Tuy nhiên, nếu đảng Cộng hòa chỉ nắm được thế đa số tối thiểu ở Hạ viện, các chương trình nghị sự của họ sẽ có ít khả năng thành công hơn.

Việc nắm ưu thế tại Hạ viện cũng có thể “giúp sức” cho đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Viễn cảnh Quốc hội Mỹ sau khi đảng Cộng hòa nắm Hạ viện - 2

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Không lâu trước khi đảng này giành ghế quyết định giúp chiếm đa số tại Hạ viện, cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tái tranh cử. Ông Trump là thành viên đảng Cộng hòa đầu tiên nộp hồ sơ chính thức lên Ủy ban bầu cử Liên bang Mỹ.

Cựu tổng thống vốn được cho là vẫn có sức ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa, dù sức ảnh hưởng này đã giảm sau khi ông rời văn phòng. Việc ông Trump tham gia cuộc đua tổng thống 2024 cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều ý kiến đồn đoán về ý định tái tranh cử của ông. Tuần trước, một số ứng cử viên nhận được sự ủng hộ của ông Trump đã thua trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Ngoài ông Trump, cựu phó Tổng thống Mike Pence cũng nhận được nhiều sự chú ý. Một ngày sau tuyên bố của ông Trump, ông Pence đã có cuộc “tiếp xúc cử tri” trên đài CNN, qua đó nói lại quan điểm của ông về các vấn đề gây tranh cãi như ngày 6/1 và những nghi vấn xung quanh cuộc bầu cử năm 2020. Ông không nói có ủng hộ ông Trump hay không, nhưng cho rằng đảng Cộng hòa “sẽ có những lựa chọn tốt hơn” vào năm 2024.

Một nhân vật khác được nhắc đến của đảng Cộng hòa là “ngôi sao đang lên” Ron DeSantis, đã có thắng lợi nổi bật nhất trong cuộc đua vị trí thống đốc bang Florida.

Về phía đảng Dân chủ, hôm 9/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông dự định tái tranh cử và có khả năng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào đầu năm 2023. Tổng thống Biden cho biết gia đình ông muốn ông tham gia tranh cử và không cảm thấy vội vàng để đưa ra quyết định cuối cùng.

Viễn cảnh Quốc hội Mỹ sau khi đảng Cộng hòa nắm Hạ viện - 3

(Ảnh minh họa)

Tổng thống Biden đối phó thế nào?

Hôm 16/11, Tổng thống Joe Biden chúc mừng thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy về chiến thắng của đảng Cộng hòa và cho biết ông “sẵn sàng làm việc với các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện để mang lại kết quả cho các gia đình lao động”.

Ông nói: "Các cuộc bầu cử tuần trước đã chứng minh sức mạnh và khả năng phục hồi của nền dân chủ Mỹ... Dù đã có sự phủ nhận mạnh mẽ từ những người không tin vào cuộc bầu cử, bạo lực chính trị và sự đe dọa. Nhưng ở Mỹ, ý chí của người dân đã chiếm ưu thế".

Trước đó, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 9/11, ông Biden khẳng định cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm 8/11 là “một ngày tốt lành” cho nền dân chủ và nước Mỹ. Đề cập đến kịch bản đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ cố gắng phối hợp, nhưng cũng nói rõ rằng có một số vấn đề sẽ không thỏa hiệp.

Ông Biden cũng thừa nhận ông "không thể kiểm soát" Hạ viện có thể điều tra gì trong tương lai, nhưng ông có thể "cố gắng mang đến cuộc sống tốt hơn" cho người Mỹ

Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông sẽ mời các nhà lãnh đạo quốc hội đến Nhà Trắng để thảo luận về chương trình nghị sự chung. Ngoài ra, ông cho hay ông có thể sẽ nói chuyện với lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy vào cuối ngày 19/11.

Không khí lưỡng viện sẽ thế nào khi hai đảng nắm quyền?

Sau khi giành chiến thắng tại Hạ viện hôm 16/11, Dân biểu Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện nói: "Thời gian lãnh đạo của duy nhất đảng Dân chủ đã hết. Giờ Washington sẽ có sự cân bằng và kiểm tra". Các đồng nghiệp đã đề cử ông làm Chủ tịch Hạ viện.

Trong quá khứ, một số dự luật đã phải đi chặng đường khá gập ghềnh để được hai viện thông qua, khi lưỡng đảng không đồng quan điểm. Các vấn đề về ngân sách cũng thường xuyên gây tranh cãi.

Tháng 10/2020, dưới thời chính quyền ông Donald Trump, đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện. Khi đó, lưỡng viện Mỹ gặp khó khăn trong việc thông qua gói cứu trợ đại dịch COVID-19.

Trong một phiên bỏ phiếu thông qua đề xuất, 214 nghị sỹ bỏ phiếu tán thành trong khi 207 người khác phản đối. Những người phản đối đề xuất của các nghị sĩ đảng Dân chủ chủ yếu là đảng viên Cộng hòa. Gói cứu trợ từ mức đề xuất ban đầu là 3.400 tỷ USD, giảm xuống còn 2.200 tỷ USD, gồm các khoản hỗ trợ cho chính quyền địa phương, giáo dục, doanh nghiệp nhỏ và những nỗ lực ứng phó COVID-19 như xét nghiệm, truy vết và cách ly người nhiễm.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa vẫn cho rằng con số 2.200 tỷ là quá tốn kém. Một số thành viên đảng Cộng hòa đề xuất gói cứu trợ trị giá 650 - 1.000 tỷ USD, nhưng đảng Dân chủ lại khẳng định con số này quá ít.

Câu chuyện tương tự diễn ra về các vấn đề ngân sách khiến chính phủ Mỹ nhiều lần rơi vào tình trạng phải đóng cửa tạm thời.

Tháng 1/2019, chính phủ Mỹ đóng cửa đến 5 tuần do không đạt được thống nhất trong vấn đề ngân sách chi cho việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico. 5 tuần đóng cửa một phần chính phủ liên bang đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 11 tỷ USD.

Đầu tháng 10/2013, dưới thời chính quyền ông Barack Obama, chính phủ Mỹ ngừng hoạt động sau khi Thượng viện và Hạ viện không thể thống nhất về ngân sách cho các cơ quan của chính phủ, vấn đề nằm ở mức trần nợ công. Ông Obama buộc phải ký duyệt một dự luật tạm thời, mở đường cho chính phủ Mỹ quay lại hoạt động sau 16 ngày. Đến tháng 12 cùng năm, các nhà đàm phán hai đảng mới có thể đạt được thỏa thuận ngân sách cho hai năm tiếp theo.

Một vấn đề khác thường xuyên gây ra sự “nhức nhối” giữa hai đảng là quan điểm về kiểm soát súng đạn. Trong khi đảng Dân chủ cho rằng cần siết chặt quản lý sở hữu súng thì đảng Cộng hòa cho rằng đây là quyền của mỗi cá nhân.

Để có thể đưa việc kiểm soát súng trở thành đạo luật, chính quyền hiện tại của Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ vẫn còn một chặng đường dài phía trước, đặc biệt nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của đảng Cộng hòa.

Phương Anh(Tổng hợp )
Bình luận
vtcnews.vn