• Zalo

Viện BigData của Vingroup: Làm vì sĩ diện của người Việt

Kinh tếThứ Tư, 22/08/2018 16:14:00 +07:00Google News

Với việc thành lập Viện BigData, Vingroup có bước chuyển mình mới, bước chuyển mình lần này như một "canh bạc", nơi mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng "nướng" vào đó không chỉ tiền bạc, sức lực mà là một khát vọng lớn hơn, đó là: "Làm vì sĩ diện của người Việt".

Tin vui nhất của ngày hôm nay có lẽ là việc GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale (Mỹ) được mời về làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data) và tham gia điều hành quỹ với khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng tại Việt Nam.

Viện Big Data sẽ tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn ngành dữ liệu lớn như học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu mới... Viện cũng tham gia đào tạo lớp trí thức mới, có trình độ cao, năng động và độc lập, kết hợp giảng dạy để đẩy mạnh các phát triển khoa học có tính ứng dụng.

11

 Giáo sư Vũ Hà Văn tại Hội thảo trí tuệ Việt Nam 2018.

Quỹ do GS Vũ Hà Văn điều hành sẽ là "bệ đỡ" quan trọng cho các nhà khoa học có đóng góp cho xã hội. Theo đó, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh tham gia sẽ được đảm bảo mức lương cao nhất, giúp chuyên tâm nghiên cứu. Nếu các dự án cần mời giáo sư nước ngoài cộng tác hoặc đến làm việc, quỹ sẽ thực hiện.

Người mời GS Vũ Hà Văn về làm việc không ai khác mà là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Trong một diễn biến có liên quan, ông Vượng đã đưa ra một "đơn hàng" đầy thách thức nhưng hấp dẫn cho các trường đại học trong nước: Vingroup cũng đặt các trường Đại học đào tạo với cam kết sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới.

Ông Vượng cũng cam kết xây dựng một "thung lũng Silicon" ngay tại Đông Anh (Hà Nội) để phục vụ các công ty khởi nghiệp, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh đến nghiên cứu. Vingroup cũng cam kết "bao tiêu" kết quả nghiên cứu để thử nghiệm trên hệ sinh thái về dịch vụ của Vingroup. Chính ông Vượng cũng đặt Vingroup trước thách thức mới: Chuyển đổi mô hình sang thành tập đoàn công nghiệp - công nghệ - dịch vụ.

111

Trong khuôn khổ của Lễ ký kết, Tập đoàn Vingroup đã chính thức ra mắt 4 đơn vị: Công ty Phát triển Công nghệ VinTech, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, Viện Nghiên cứu Công nghệ cao và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ Ứng dụng. 

Nhìn từ các quốc gia phát triển trên thế giới: Nhật Bản thành công vì họ đã xây dựng được các tập đoàn hàng đầu thế giới như Toyota, Nippon, Mishubishi, Honda, Canon, Softbank,...; Hàn Quốc cũng học theo mô hình tương tự, với các tập đoàn như Samsung, Hyundai, Posco, Shinhan, SK, LG... Ở Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng đang đưa Vingroup vững chắc đi theo mô hình của các tập đoàn hàng đầu thế giới: sản xuất ô tô, xe điện, smartphone; đầu tư nghiên cứu khoa học 1 cách bài bản, chuyên sâu...

Năm 2015, TS Vũ Ngọc Hoàng từng đưa ra một công bố gây sốc: "Khoảng 50 năm trước, Hàn Quốc và Việt Nam có trình độ phát triển tương tự nhau, sau chiến tranh 1953, họ là nước nghèo nhất thế giới, có lúc bị đói phải ăn vỏ thông, vậy mà đến nay kinh tế Hàn Quốc đã bỏ Việt Nam rất xa, đến mức không tưởng tượng nổi.

Đến nay đã có hơn 10 vạn người Việt Nam sống ở Hàn Quốc, và hơn 10 vạn người Hàn Quốc sống ở Việt Nam (năm ngoái tôi có nói con số này là 9 vạn, năm nay đã phát triển lên trên 10 vạn). Nhưng khác một điều: Người Hàn Quốc làm ông chủ ở Hàn Quốc và làm ông chủ kể cả ở Việt Nam, còn người Việt Nam thì làm thuê ở Hàn Quốc và làm thuê cả ở Việt Nam...".

Mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn quá thấp. Khi kết thúc cơ cấu dân số vàng, thu nhập đầu người của Hàn Quốc là 20.000 USD, Nhật Bản là 30.000 USD. Còn Việt Nam theo dự báo cơ cấu dân số vàng sẽ kết thúc vào năm 2025 sau đó là sang giai đoạn dân số già, và lúc ấy thu nhập đầu người của Việt Nam tối đa chỉ khoảng 3000 USD (tính theo giá 2005).

Cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT có nói với các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay: “Thời đại ngày nay, đất nước muốn mạnh thì bắt buộc phải dùng công nghệ. Trong tay các bạn đang có công nghệ. Và các bạn chính là một trong những nguồn lực quan trọng để đất nước này không có chiến tranh. Các bạn mang trong mình dòng máu Việt Nam, đang có thuận lợi lớn là tích lũy tri thức khoa học công nghệ nhân loại, và phải có trách nhiệm với đất nước”.

1111 3

Quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Thời đại ngày nay, đất nước muốn mạnh thì bắt buộc phải dùng công nghệ"

Ông Phạm Nhật Vượng từng nói, nếu chỉ nghĩ đến tiền thì ông không cần phải làm gì nữa vì cá nhân ông đã quá nhiều tiền và nhiều khi không biết có bao nhiêu, cất ở đâu.

"Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được", ông Vượng đã từng nói như vậy.

Bước chuyển mình lần này của Vingroup cũng như 1 "canh bạc", nơi mà ông Vượng "nướng" vào đó không chỉ là tiền bạc, sức lực mà là 1 khát vọng lớn hơn, đó là: "Làm vì sĩ diện của người Việt".

Trong tương lai, nếu Vingroup trở thành một tập đoàn hùng mạnh như Toyota (Nhật Bản) hay Samsung (Hàn Quốc) và có thêm nhiều tập đoàn lớn khác nữa, chắc chắn nền kinh tế sẽ có những trụ cột vững chắc khi bước vào kỷ nguyên 4.0. Còn trước mắt, các nhà khoa học sẽ có thêm sân để chơi lành mạnh, có tiền để nghiên cứu và có nơi để thử sản phẩm.

Nhà báo Trần Trọng An
Bình luận
vtcnews.vn