"Tôi vốn là người sống tại nơi này nên có thói quen đi kiếm thức ăn cho gia đình trong chuyến dã ngoại. Hôm đó, tôi ra ngoài với bạn bè và gia đình. Chúng tôi đợi thủy triều xuống để có thể bắt vẹm và tôi thấy hàng trăm ngàn con vẹm xanh đã chết", Ferguson kể.
Ước tính có hơn 500.000 con vẹm xanh chết, rải đầy vỏ khắp bờ biển và bốc mùi hôi thối. Chúng trôi nổi theo sóng dạt vào bờ.
"Hiện tượng này xảy ra do nhiệt độ nước biển tăng, thủy triều thấp vào giữa ngày và áp suất cao", Ferguson giải thích và cho biết anh từng gặp hiện tượng này trước đây nhưng với các loài có vỏ khác.
Đúng với giả thuyết của Ferguson, theo báo cáo năm 2019 của Chính phủ New Zealand, biến đổi khí hậu làm nước biển ấm lên, tàn phá hệ thực vật, động vật và môi trường sống dưới nước.
Cũng theo báo cáo này, từ năm 1981 đến 2018, nhiệt độ mặt nước ở 4 vùng biển của New Zealand, gồm Chatham Rise, biển Tasman, khu vực cận nhiệt đới và cận Nam Cực, tăng 0,1 đến 0,2 độ C trong thập kỷ qua.
Bộ trưởng Môi trường New Zealand Vicky Robertson lý giải khi nước biển càng ấm hơn, khả năng hấp thụ khí nhà kính như carbon dioxide càng thấp. Khi đó, sự phát triển của các loài sống ở đại dương bị ảnh hưởng, môi trường sống ven biển của nhiều quần thể có nguy cơ ngập lụt do nước biển tăng.
Andrew Jeffs, nhà khoa học hải dương ở Đại học Auckland cho rằng nhiều khả năng hàng chục nghìn con vẹm trong video chết do thời tiết nóng bức và mức thủy triều thấp vào buổi trưa.
"Vẹm xanh chết vì nóng bức. Bạn cứ tưởng tượng nằm dưới ánh Mặt Trời buổi trưa suốt 4 giờ mỗi ngày trong tuần. Bạn chắc chắn sẽ bị cháy nắng vào cuối tuần", Jeffs nói.
Chuyên gia này cũng dự đoán rằng, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, loài vẹm có thể biến mất hoàn toàn tại New Zealand.
Bình luận