Siêu trăng là hiện tượng thiên văn khi Mặt trăng di chuyển gần Trái đất nhất vào đúng dịp trăng tròn. Tuy nhiên, để có khoảng cách tối thiểu như đêm mai, phải trải qua hàng loạt chu kỳ khác nhau. Lần gần đây nhất Siêu trăng loại này xuất hiện là năm 1948 và nếu bỏ lỡ trong đêm mai, thì con người phải chờ tới năm 2034 mới có thể được quan sát lại.
So với các loại trăng tròn khác, Siêu trăng có độ sáng vượt trội. Theo NASA, khoảng cách từ Mặt trăng tới Trái đất đêm mai chỉ là 225.623 dặm, trong khi đó điểm xa nhất trong quỹ đạo này là 252.088 dặm và khoảng cách trung bình của nó là 238.855 dặm.
Theo số liệu của NASA, siêu trăng sắp tới sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với những kỳ trăng tròn bình thường khác.
Năm 2016, Trái đất còn được chứng kiến hiện tượng siêu trăng trong tháng 10 và tháng 12 sắp tới, vì nằm giữa 2 chu kỳ siêu trăng nên hiện tượng ngày 14/11 còn đặc biệt hơn nữa, NASA cho biết thêm.
Tuy nhiên, việc quan sát Siêu trăng còn tùy thuộc vào vị trí quan sát dưới mặt đất. Nếu Mặt trăng lên cao và xung quanh không có các tòa nhà cao tầng, người xem có thể có góc nhìn tốt hơn để chiêm ngưỡng hiện tượng này.
Trong khi đó, nếu người xem đứng ở một vị trí có thể trông thấy trăng ở gần đường chân trời thì kích thước Mặt trăng sẽ lớn hơn, cảnh tượng này trông sẽ như 'ảo giác'.
Video: Siêu trăng sáng nhất 68 năm qua có gì đặc biệt?
Theo Noah Petro, Phó Giám đốc Dự án thăm dò quỹ đạo Mặt trăng của NASA, Siêu trăng ngày mai có thể duy trì trong một vài ngày sau đó, vì vậy mọi người có nhiều cơ hội hơn để quan sát hiện tượng độc đáo này.
Ông Petro cũng tiết lộ thêm, thời điểm quan sát Siêu trăng tốt nhất là sau khi Mặt trời lặn vì khi đó Mặt trăng nằm ở đường chân trời, dễ tạo hiệu ứng về kích thước hơn bình thường.
Bình luận