Vị thế Triều Tiên thay đổi sau vụ phóng thành công vệ tinh do thám Malligyong-1

Tư liệuThứ Sáu, 01/12/2023 07:30:00 +07:00
(VTC News) -

Vụ phóng thành công vệ tinh do thám Malligyong-1 cho thấy Triều Tiên đã vượt qua các lệnh trừng phạt cũng như khẳng định năng lực chế tạo tên lửa của nước này.

Ngày 21/11, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) thông báo, Bình Nhưỡng đã lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh do thám Malligyong-1. Đây được xem là dấu mốc quan trọng đối với chương trình phát triển không gian lẫn tên lửa của Triều Tiên.

Quân đội Triều Tiên sau đó đã mô tả thành công của vệ tinh Malligyong-1 như một “cú đấm” mạnh mẽ và sẽ là một “con mắt giám sát kẻ thù”. Vụ phóng Malligyong-1 cho thấy khả năng chế tạo tên lửa của Bình Nhưỡng đã đạt đến cấp độ cao hơn.

Vụ phóng Malligyong-1 cho thấy khả năng chế tạo tên lửa của Bình Nhưỡng đã đạt đến cấp độ cao hơn. (Ảnh: KCNA)

Vụ phóng Malligyong-1 cho thấy khả năng chế tạo tên lửa của Bình Nhưỡng đã đạt đến cấp độ cao hơn. (Ảnh: KCNA)

Giám sát kẻ thù ở mọi nơi

Phát biểu về thành công của vệ tinh do thám Malligyong-1, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho biết, quân đội Triều Tiên giờ đây đã sở hữu “con mắt” có thể nhìn xuống trái đất và một “nắm đấm” mạnh mẽ có thể đánh trúng kẻ thù.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhấn mạnh việc Malligyong-1 do chính nước này phát triển bằng các công nghệ sẵn có, đồng thời cho rằng đây là bước đột phá của Bình Nhưỡng nhằm sẵn sàng ứng phó với "tình hình mới" trong khu vực.

Chỉ vài ngày sau khi phóng vệ tinh Malligyong-1 lên quỹ đạo, KCNA thông báo Chủ tịch Kim Jong-un đã được Cục Công nghệ hàng không vũ trụ quốc gia Triều Tiên (NATA) giới thiệu các bức ảnh vệ tinh chụp căn cứ và tàu sân bay Mỹ tại Hàn Quốc thông qua Malligyong-1.

Đến ngày 28/11, Triều Tiên cũng thông báo Malligyong-1 chụp được ảnh vệ tinh Lầu Năm Góc và Nhà Trắng khi vệ tinh do thám này bay qua một số mục tiêu quân sự quan trọng ở Mỹ.

Giới phân tích cho rằng việc phóng thành công một vệ tinh lên quỹ đạo và tiến hành các hoạt động trinh sát từ không gian đã giúp nâng tầm vị thế quân sự cho Triều Tiên.

"Vệ tinh do thám khi đi vào hoạt động sẽ cải thiện khả năng chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, tình báo hoặc giám sát của quân đội Triều Tiên. Nó cũng sẽ cải thiện khả năng điều phối lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra", Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói.

Ankit Panda, nhà nghiên cứu về chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, nói rằng vệ tinh mang tới cho Triều Tiên khả năng nhắm mục tiêu quân sự ở Hàn Quốc, Nhật Bản và đánh giá tổn thất sau các hoạt động tác chiến, điều mà họ thiếu hụt trước đây.

Chuyên gia này nói thêm rằng từ thành công của vụ phóng 21/11 Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng thêm các vệ tinh do thám trong tương lai nhằm mở rộng hệ thống thu thập tình báo của nước này.

Theo đó việc triển khai cùng lúc nhiều vệ tinh như Triều Tiên tuyên bố sẽ cải thiện đáng kể khả năng giám sát từ xa của nước này đối với các hoạt động quân sự của quân đội Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Trung tâm điều khiển chung Bình Nhưỡng thuộc Cục Công nghệ hàng không vũ trụ quốc gia hôm 25/11. (Ảnh: KCNA)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Trung tâm điều khiển chung Bình Nhưỡng thuộc Cục Công nghệ hàng không vũ trụ quốc gia hôm 25/11. (Ảnh: KCNA)

Thành công bất ngờ

Theo một số chuyên gia quân sự, Malligyong-1 dù không đủ tiên tiến về mặt công nghệ để tiến hành do thám quân sự, thì nó cũng cho thấy khả năng của Bình Nhưỡng trong việc vượt qua các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc nhắm vào các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Ở một chiều hướng khác, rất có thể Bình Nhưỡng đã nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài khi phóng Malligyong-1.

Ngay sau khi Triều Tiên thông báo phóng thành công Malligyong-1, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết Triều Tiên gần như giải quyết được các vấn đề về động cơ tên lửa "với sự giúp sức của Nga". Ông này cũng nhắc lại hai lần phóng thất bại trước đó của Bình Nhưỡng vào tháng 5 và tháng 8.

Mọi việc dường như thay đổi sau khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin tại sân bay vũ trụ Vostochny Cosmodrome vào tháng 9. Trong cuộc gặp đó, ông Putin báo hiệu sẵn sàng hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển chương trình vệ tinh và không gian.

Các chuyên gia Hàn Quốc cũng nghi ngờ Triều Tiên có thể chuyển giao đạn pháo cho Moskva đổi lại, Nga giúp Bình Nhưỡng phóng hoặc vận hành các vệ tinh trinh sát, theo Hãng thông tấn Yonhap.

Phía Hàn Quốc lập luận rằng, Bình Nhưỡng liên tục thất bại ở hai lần trước đó do các vấn đề về nhiên liệu đẩy trong quá trình phóng. Thế nhưng chỉ trong ba tháng, Triều Tiên đã có thể khắc phục được lỗi mà ở cả hai lần phóng trước đều gặp phải.

Theo KCNA, tên lửa đã đưa vệ tinh vào quỹ đạo lúc 22h54 21/11, tức khoảng 7 phút sau khi phóng. Đây cũng là điều mà ở cả hai lần phóng trước Triều Tiên đều không làm được.

Những lời đồn đoán Moskva giúp sức cho Bình Nhưỡng xuất hiện khi Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga - Triều trao đổi công nghệ và vũ khí.

Đáp trả những chỉ trích và lo ngại, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố mọi cáo buộc của Mỹ và phương Tây không có căn cứ, đồng thời cho biết Nga chỉ đang thực hiện trách nhiệm với các nghĩa vụ quốc tế.

Trong khi đó Triều Tiên cho biết việc hợp tác với Nga là tự nhiên và bình thường giữa các nước láng giềng muốn tăng cường hợp tác với nhau.

Việc Triều Tiên chỉ mất ba tháng để khắc phục các lỗi trên tên lửa đẩy Chollima-1 khiến Hàn Quốc nghi ngờ. (Ảnh: KCNA)

Việc Triều Tiên chỉ mất ba tháng để khắc phục các lỗi trên tên lửa đẩy Chollima-1 khiến Hàn Quốc nghi ngờ. (Ảnh: KCNA)

Vệ tinh Malligyong-1 có thực sự nguy hiểm

Triều Tiên cho biết vệ tinh này là giải pháp giúp đối phó với các mối đe dọa, đồng thời sẽ cải thiện khả năng giám sát các nước láng giềng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng của vệ tinh mới được phóng.

Vann Van Diepen, cựu chuyên gia vũ khí của Chính phủ Mỹ, người làm việc với Trung tâm Stimson ở Washington nói với Reuters rằng: “Có khả năng đây là một vệ tinh quang học tương đối nhỏ và có độ phân giải tương đối thấp. Nhưng, ngay cả một vệ tinh có độ phân giải tương đối thấp cũng tốt hơn là không có vệ tinh”.

Ông Diepen cho biết thêm, một vệ tinh như vậy khó có thể cung cấp thông tin tình báo chi tiết về các hệ thống vũ khí cụ thể, nhưng nó vẫn hữu ích trong việc xác định các hoạt động quân sự lớn.

Ngoài tính hữu dụng thực tế, vệ tinh này còn là một dấu hiệu khác cho thấy triển vọng phục hồi “ngoại giao hạt nhân” với Washington là vô cùng mờ nhạt, kể từ hội nghị thượng đỉnh thất bại của ông Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019.

“Rõ ràng đây không phải là sự kiện xảy ra một lần mà là một phần trong chiến lược của Triều Tiên nhằm ưu tiên năng lực quân sự hơn phát triển kinh tế, đe dọa hơn là hòa giải và liên kết hơn nữa với Nga và Trung Quốc thay vì theo đuổi chính sách ngoại giao với Hàn Quốc”, Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul cho biết.

Chad O'Carroll, người sáng lập trang web NK News cho biết, Bình Nhưỡng có thể tuyên bố sở hữu một vệ tinh trinh sát quân sự nhưng chính phủ Hàn Quốc sẽ cố gắng chứng minh rằng vệ tinh này có rất ít hoặc không có giá trị trinh sát quân sự, đồng thời cố gắng trấn an người dân rằng khả năng quân sự của vệ tinh này vẫn chưa rõ rang.

“Ngay cả khi khả năng nằm ở mức cơ bản, vệ tinh Malligyong-1 vẫn có thể cung cấp thông tin tình báo theo thời gian thực về các hoạt động di chuyển và lắp đặt quân sự trên toàn khu vực. Đây là một sự thay đổi lớn”, ông O'Carroll nhận định.

Về phần tên lửa đẩy Chollima-1, đây dường như là một thiết kế mới và các nhà phân tích cho biết nó có thể sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng, vòi phun kép được phát triển cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15.

Tên lửa này có nguồn gốc từ các thiết kế từ thời Liên Xô mặc dù phương tiện phóng vào không gian (SLV) có thể sử dụng động cơ giống như ICBM nhưng vẫn có những khác biệt về thiết kế.

Trà Khánh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn