Silicon Valley Bank (SVB) là ngân hàng giao dịch công khai có trụ sở tại Santa Clara, California - trái tim của thung lũng Silicon. Ngân hàng này được bảo hiểm và chịu quản lý của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC). Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng này sẽ được nhận một khoản tiền từ chính phủ trong trường hợp không thể trả tiền cho người gửi.
Vị thế độc tôn của SVB
Theo Washington Post, SVB được coi là đơn vị cho vay hàng đầu đối với các start-up công nghệ. Ngân hàng làm việc với gần một nửa các công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm, phần lớn trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe.
Chính vị thế độc tôn của SVB như là đơn vị cho vay hàng đầu đã khiến SVB chịu tác động kép từ việc tăng lãi suất mà ít ngân hàng khác phải đối mặt với mức độ tương tự.
Với tư cách là nơi gửi gắm đáng tin cậy nhất của các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, tiền gửi của ngân hàng này đã tăng từ 61 tỷ USD vào tháng 12/2019 lên 189 tỷ USD vào tháng 12/2021. Nhờ vào mức lãi suất cực thấp và các gói kích thích mà các ngân hàng trung ương Mỹ triển khai trong thời kỳ đại dịch COVID-19, SVB đã mạo hiểm triển khai dự án huy động vốn lớn nhất trong lịch sử của ngân hàng này.
Khởi đầu sai lầm, SVB tăng gấp đôi khoản cho vay của mình lên đến 66 tỷ USD và đầu tư phần còn lại vào nhiều loại chứng khoán khác nhau, bao gồm cả trái phiếu kho bạc Mỹ.
Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, nhiều vấn đề xuất hiện. Đầu tiên, định giá công nghệ đã giảm và nguồn vốn bắt đầu cạn kiệt, buộc các công ty công nghệ phải sử dụng những khoản tiền gửi ở SVB thường xuyên hơn.
Thứ hai, lãi suất và lợi suất trái phiếu tăng mạnh trong 12 tháng qua, khiến giá trị trái phiếu mà SVB nắm giữ so với tiền gửi giảm đáng kể.
Để đáp ứng nhu cầu rút tiền từ các công ty khởi nghiệp đang khát tiền mặt, SVB buộc phải bán trái phiếu của mình với mức lỗ nặng. Điều đó đã châm ngòi cho nỗ lực huy động vốn không thành công vào tuần trước và làm dấy lên mối lo ngại về tình hình tài chính của ngân hàng này. Do đó, một loạt công ty công nghệ đã rút tiền gửi khỏi SVB - điều này nhanh chóng đẩy SVB đến bờ vực sụp đổ và buộc các cơ quan quản lý phải vào cuộc.
Silicon Valley Bank sụp đổ, trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ.
SVB sụp đổ tác động ra sao đến thị trường Mỹ?
Năm 1987, thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ sau một thời gian dài tăng trưởng. Mọi chuyện bắt đầu từ sau khi bong bóng Dot-com vỡ vào năm 2001 và suy thoái kinh tế hiện rõ sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có những biện pháp tiền tệ để cứu nền kinh tế nước này khỏi suy thoái, đó là hạ lãi suất cho vay liên ngân hàng.
Chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 5/2001 đến tháng 12/2002, lãi suất liên ngân hàng giảm 11 đợt, từ 6,5%/năm xuống 1,75%/năm. Lãi suất tín dụng thứ cấp cũng giảm theo, kích thích sự phát triển của khu vực bất động sản và ngành xây dựng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Một quá trình tương tự rất có thể đang lặp lại. Kể từ khi FED bắt đầu nâng lãi suất 12 tháng trước, các chiến lược gia Phố Wall từng cảnh báo việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ.
Theo chuyên gia Michael Hartnett từ Bank of America, cuộc chiến chống lạm phát mới nhất của FED sẽ dẫn đến nhiều sự kiện khiến cổ phiếu lao dốc, ảnh hưởng của việc này sẽ lan ra khắp các thị trường và nền kinh tế.
Một trong những sự kiện đó là vụ SVB sụp đổ chỉ sau vài ngày cố gắng huy động vốn để bù đắp khoản lỗ mà ngân hàng phải gánh chịu khi bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác.
Vào cuối tháng 12/2022, SVB có tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD - biến nó trở thành ngân hàng nhận bảo hiểm liên bang lớn thứ hai phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ việc ngân hàng Washington Mutual đóng cửa do khủng hoảng tài chính năm 2008. Từ đó, tờ Financial Review đặt ra câu hỏi, liệu vụ sụp đổ quy mô lớn như SVB có phải là sự kiện tín dụng mà các chuyên gia lo sợ?
Tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đủ căn cứ để chứng minh mối lo ngại này, nhưng có thể thấy vụ sụp đổ này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều nhóm thị trường.
Nhóm đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả chính là các công ty công nghệ.
Nhiều hệ luỵ kinh tế đối với thị trường Mỹ từ vụ sụp đổ Silicon Valley Bank.
Trước đây, được làm việc với ngân hàng SVB từng được coi như một “huy hiệu danh dự” - minh chứng cho thấy công ty đã thành công đặt chân vào sân chơi của các ông lớn công nghệ.
Tuy nhiên, “huy hiệu danh dự” này giờ đây sẽ trở thành cơn ác mộng khi các công ty khởi nghiệp không rút được tiền từ SVB trước khi ngân hàng này bị đóng cửa. Trong những ngày tới, họ sẽ phải chật vật tìm cách trả lương cho nhân viên.
Gary Tan, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm YCominator, đã lên Twitter cầu xin các cơ quan quản lý rút ngắn thời gian tiếp cận số tiền gửi ở SVBt. Ông cũng tiết lộ rằng 30% các công ty mà ông biết có giao dịch với SVB sẽ phải vật lộn để kiếm tiền chi trả thu nhập trong 30 ngày tới.
“Đây là một sự kiện đe doạ sự tuyệt chủng các công ty khởi nghiệp và sẽ khiến các công ty này lùi lại tới 10 năm hoặc hơn thế. Các ông lớn công nghệ sẽ không quan tâm đến điều này. Họ vẫn còn tiền mặt gửi ở nơi khác”, ông Gary Tan nói.
“Tất cả các công ty khởi nghiệp nhỏ, những Google và Facebook của tương lai, sẽ bị tiêu diệt nếu chúng ta không tìm ra cách khắc phục”, ông Gary Tan cho biết thêm.
Bình luận