Hai tuần qua, cả nước xảy ra 4 vụ cháy xe khách giường nằm. Hàng chục hành khách đã phải tháo chạy khi lửa bao trùm các phương tiện này.
Vì sao xe khách giường nằm lại liên tiếp phát hỏa? Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhận định có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố trên. Trong đó, đáng ngại và gặp thường xuyên nhất là tình trạng chủ xe tự ý lắp thêm thiết bị điện.
Các thiết bị điện này không có trong thiết kế của xe, sau khi lắp có thể gây quá tải cho hệ thống điện, dẫn đến chập cháy.
Theo ông Phương, một nguyên nhân khác dẫn đến cháy xe là do phương tiện không được kiểm định, bảo dưỡng thường xuyên khiến các bộ phận xuống cấp, hoặc quá tải nhiệt khi vận hành.
"Ví dụ như ở động cơ, nếu khai thác liên tục mà không được bảo dưỡng định kỳ, các vòng đệm xung quanh động cơ có thể bị hỏng, khiến các chất lỏng nhiên liệu phía trong như dầu nhờn, chất làm mát có thể thoát ra ngoài. Khi gặp nhiệt độ cao của các thiết bị cộng hưởng thời tiết nắng nóng, các chất này rất dễ bén lửa", ông Phương nói.
Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới cũng nhận định đặc thù xe khách giường nằm cũng có một số nguyên nhân khác dẫn tới cháy, nổ cao như tình trạng chạy đường dài liên tục, không đảm bảo số thời gian dừng, nghỉ theo quy định dẫn đến phát sinh nhiệt cao ở động cơ.
Ngoài ra, những xe này hay chở hàng hóa dễ cháy trong thùng xe, cuốn phải rác thải, rơm rạ khi di chuyển…
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, nêu thêm nguyên nhân quá trình sửa chữa ô tô, một số cơ sở thực hiện không đảm bảo kỹ thuật nên các mối nối của thiết bị điện không chặt chẽ, hoặc dây điện không phải hàng chuyên dụng, không đúng kích thước gây rò rỉ điện, dẫn đến chập cháy.
Ngoài ra, ông Quyền cũng cho rằng việc ống xả của ô tô bị hở cũng là nguyên nhân khiến ôtô bốc cháy. "Ống xả là bộ phận có nhiệt độ cao nên khi bị hở, khí thải nóng của xe lọt ra ngoài, gặp điều kiện thuận lợi như động cơ không đốt hết phần xăng có trong xilanh, hoặc rơm, rác bị cuốn vào gầm rất dễ gây ra cháy, nổ".
Video: Hiện trường vụ cháy xe khách ở Thanh Hóa (Nguồn: Otofun Thanh Hóa)
Còn theo trung úy Mai Danh Giang, giảng viên Đại học PCCC, một nguyên nhân nữa có thể dẫn tới hỏa hoạn trên xe giường nằm là do thời tiết nắng nóng, các xe bật điều hòa hết công suất, gây quá tải hệ thống điện. Ngoài ra, nhiên liệu không đảm bảo cũng là một nguy cơ lớn.
"Nhiên liệu phục vụ phương tiện kém chất lượng, kích nổ sớm, đặc biệt là tình trạng xăng dầu giả là nguyên nhân có thể gây ra sự cố", trung úy Giang nói và khuyến cáo các chủ xe phải trang bị đầy đủ các thiết bị phá cửa cần thiết, để nơi dễ nhìn thấy, dễ lấy, do đặc thù xe giường nằm chỉ có một cửa lên, xuống. Khi đang lưu thông nếu phát hiện hỏa hoạn, tài xế cần nhanh chóng lái xe vào lề đường, tránh nguy cơ cháy lan, đường điện, gần nguồn chất dễ cháy; sau đó báo cho mọi người trên xe để cùng thoát ra ngoài.
Đặc biệt, chủ phương tiện không tự ý lắp thêm các thiết bị trên xe, đặc biệt là thiết bị điện; không chở hàng hóa dễ cháy và cần đảm bảo quãng thời gian di chuyển liên tục của phương tiện không quá 4 tiếng.
“Các chủ xe cần chủ động bảo trì phương tiện giữa 2 lần kiểm định tại cơ quan đăng kiểm. Quá trình kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ kiên quyết yêu cầu chủ xe tháo dỡ thiết bị lắp thêm không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất”, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới, nói.
Ngày 10/6, ô tô giường nằm bốc cháy khi đang leo đèo Gió (Bắc Kạn), 15 hành khách trên xe may mắn thoát nạn. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hỏa hoạn do chập điện.
Đến ngày 18/6, xe khách chạy tuyến Lào Cai - Hà Nội bốc cháy trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). 11 người trên xe kịp thoát ra ngoài trước khi ngọn lửa bùng lên nên không xảy ra thương vong.
Tiếp đó, ngày 20/6, liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy xe giường nằm tại cầu Nguyệt Viên (Thanh Hóa) và đường vành đai 3 (Hà Nội). Cả 2 vụ việc đều không có thương vong về người.
Bình luận