Theo tính toán sơ bộ, lực lượng phòng không Syria bắn hạ phần lớn tên lửa do các chiến cơ và chiến hạm của Mỹ, Anh và Pháp phóng trong vụ không kích ngày 14/4. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, 71 trong số 103 tên lửa của liên minh do Mỹ dẫn đầu bị các tổ hợp phòng không S-125, S-200, Buk, Kvadrat và Osa bắn hạ - những tổ hợp này do Liên Xô chế tạo từ những năm 1970.
Dù một số cơ sở dân sự và quân sự của Syria bị trúng tên lửa, song các chuyên gia quân sự và sỹ quan quân đội Nga nhận định lực lượng phòng không Syria lập chiến công lớn trong việc đánh chặn các tên lửa của liên minh Mỹ, Anh và Pháp.
Thượng tướng Sergey Rudskoy, Tư lệnh Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Nga cho biết, với sự hỗ trợ của Nga, năng lực phòng không của Syria được tăng lên đáng kể. Tướng Rudskoy cũng cho biết có khả năng Nga sẽ cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria.
“Số lượng tên lửa bị bắn hạ cho thấy hiệu quả cao của vũ khí do Syria sở hữu cũng như kết quả tuyệt vời của quá trình huấn luyện quân nhân Syria do các chuyên gia của chúng tôi thực hiện. Trong hơn 1 năm rưỡi, Nga giúp khôi phục hoàn toàn hệ thống phòng không của Syria và tiếp tục cải thiện chúng”, tướng Rudskoy cho biết.
Tháng 8/2017, Thiếu tướng Sergei Meshcheryakov, Tư lệnh phó Lực lượng Không quân thuộc Quân chủng Không quân Vũ trụ Nga khẳng định, việc các chuyên gia Nga tham gia vào nhiệm vụ khôi phục hệ thống phòng không tại Syria sau nhiều năm lực lượng phòng không nước này bị tổn thất nặng nề do nội chiến.
Các nguồn tài liệu cho biết, trước khi nội chiến Syria nổ ra năm 2011, quân đội Syria sở hữu các tổ hợp phòng không do Liên Xô sản xuất bao gồm S-75 Dvina, S-125 Pechora, S-200 Angara, 9K33 Osa, 9K37 Buk, 2K12 Kvadrat và ZSU-23-4 Shilka.
Theo Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ước tính, lực lượng phòng không Syria bao gồm 20.000 quân nhân được biên chế thành 4 sư đoàn với các tổ hợp S-125 Pechora, S-75 Dvina, 2K12 Kvadrat và 3 trung đoàn S-200 Angara.
Phần lớn các tổ hợp phòng không của quân đội Syria được Liên Xô sản xuất trong giai đoạn từ những năm 1950 đến những năm 1970, những tổ hợp này hiện quân đội Nga không còn sử dụng nữa sau khi các tổ hợp phòng không hiện đại được biên chế, trừ tổ hợp phòng không 2K37 Buk.
Trước vụ không kích ngày 14/4, lực lượng phòng không Syria nhiều lần phóng tên lửa bắn hạ tiêm kích của Israel xâm nhập không phận nước này. Ngày 10/2/2018, Tel Aviv thừa nhận tiêm kích F-16 bị tên lửa của Syria bắn hạ và rơi ở phía bắc Israel.
Video: Phòng không Syria bắn hạ nhiều tên lửa của Mỹ và đồng minh
Hãng thông tấn RT dẫn lời Thiếu tướng về hưu Pavel Zolotaryov nhận định, Liên Xô và Nga đóng góp đáng kể trong việc phát triển hệ thống phòng không của Syria. Theo tướng Zolotaryov, tại thời điểm này, Matxcơva có thể sẽ cung cấp cho đồng minh Damascus nhiều tổ hợp phòng không cũng như các thành phần khác của hệ thống để phục vụ thay thế sửa chữa.
“Nhiều khả năng Nga giúp Syria khôi phục khả năng tác chiến của các tổ hợp được chuyển giao từ những năm 1970 cũng như tham gia vào quá trình đào tạo quân nhân phòng không của Syria. Những người Syria làm tốt, tuy nhiên nhiều dấu hiệu cho thấy liên minh phương Tây không chuẩn bị tốt cho cuộc không kích”, tướng Zolotaryov nói.
Tướng Zolotaryov cũng cho rằng Mỹ, Anh và Pháp không sử dụng các biện pháp áp chế điện tử để vô hiệu hóa các đài radar và hệ thống phòng không của quân đội Syria. Theo tướng Zolotaryov, vụ không kích Syria ngày 14/4 mang tính chất chính trị nhiều hơn và xét trên phương diện quân sự, vụ không kích này không hề đạt hiệu quả.
Dmitry Kornev, người sáng lập cổng thông tin Quân đội Nước Nga, nêu quan điểm với hãng thông tấn RT rằng các tổ hợp phòng không của Syria đạt hiệu quả chiến đấu cao nhờ mở rộng ngắm bắn mục tiêu. Theo chuyên gia này, thông tin vụ phóng tên lửa và hành trình các tên lửa này được các hệ thống kiểm soát không phận hiện đại cung cấp cho các tổ hợp phòng không của Syria.
“Hiệu quả của những tổ hợp phòng không cũ kỹ lạc hậu này được tăng lên nhiều lần, nếu mục tiêu được định vị bởi các đài radar hiện đại đang có mặt tại Syria.
Khi các mục tiêu xuất hiện trong lãnh thổ Syria, tổ hợp Buk có thể bắn hạ ở chế độ tự động, còn các tổ hợp khác như S-75 và S-125 được vận hành bằng tay và việc lấy mục tiêu sẽ được thực hiện bởi các quân nhân vận hành chúng”, chuyên gia Kornev giải thích.
Các chuyên gia Nga đều đi đến kết luận, bên cạnh đóng góp của một số trang thiết bị hiện đại, yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng giúp lực lượng phòng không Syria bắn hạ 71 trong tổng số 103 tên lửa do liên minh Mỹ, Anh và Pháp phóng vào ngày 14/4.
Bình luận