• Zalo

Vì sao VCCI xin Thủ tướng bỏ Thông tư 20 liên quan nhập khẩu ô tô?

Kinh tếThứ Tư, 03/08/2016 16:54:00 +07:00Google News

Trong một văn bản gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ Thông tư 20.

Cuộc tranh cãi quanh số phận của ô tô nhập khẩu ngày càng gay gắt, trong khi các đơn vị có giấy ủy quyền chính hãng muốn giữ quy định của Thông tư 20 thì giới nhập xe lại cho rằng đây là rào cản với cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng.

A

 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng nên bỏ Thông tư 20.

Thông tư 20 quy định, các doanh nghiệp muốn kinh doanh ôtô nhập khẩu dưới 9 chỗ ngồi cần có 2 loại giấy xác nhận: giấy uỷ quyền nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất hoặc có hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô.

Các quy định này đang nảy sinh tranh cãi quyết liệt.

Liên quan đến sự việc trên, ngày 29/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị bỏ Thông tư 20.

Trên cơ sở đánh giá các quy định tại Thông tư 20 “rõ ràng có tính chất là một điều kiện kinh doanh vì đã trao quyền cho một số doanh nghiệp nhất định đủ điều kiện thì được kinh doanh, còn các doanh nghiệp khác thì không được”, VCCI cho biết “yêu cầu cung cấp hồ sơ là hoàn toàn không cần thiết và không hợp pháp”.

Phân tích hiệu quả của việc thực hiện Thông tư 20 đối với mục tiêu kiểm soát nhập khẩu ô tô trong thời gian qua, VCCI cho rằng: Việt Nam đã có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam.

“Việc kiểm soát này không có sự khác biệt giữa xe ô tô nhập khẩu của thương nhân có ủy quyền hay thương nhân không có ủy quyền. Do đó, không có cơ sở để khẳng định Thông tư 20 giúp làm tăng chất lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.” – Theo VCCI.

Đồng thời VCCI cũng bác ý kiến cho rằng “việc mang xe được sản xuất cho các quốc gia khác về lưu thông tại Việt Nam sẽ không an toàn bằng việc sử dụng xe được sản xuất riêng cho Việt Nam”. Bởi, “xe được sản xuất cho quốc gia khác nhưng khi mang về Việt Nam vẫn được các cơ quan quản lý giao thông của Việt Nam kiểm tra về sự an toàn và bảo vệ môi trường để bảo đảm chất lượng xe”.

VCCI cũng dẫn số liệu cho thấy “Thông tư 20 chỉ tác động đến phần cung mà không ảnh hưởng đến cầu về ô tô của người tiêu dùng Việt Nam”.

“Sau khi Thông tư 20 đi vào thực thi, số lượng xe ô tô nhập khẩu có giảm trong năm 2011 và năm 2012, nhưng các năm từ 2013-2015 thì tăng rất mạnh. Năm 2011 nhập 55 nghìn xe thì đến năm 2015 là 125 nghìn xe.” – Theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Từ đó, VCCI nhận định, vai trò của Thông tư 20 không lớn trong việc kiểm soát chất lượng hay thị trường ô tô.

Trong những ngày qua, một nội dung được nói đến nhiều là sự phù hợp của Thông tư 20 với pháp luật cạnh tranh và sở hữu trí tuệ. Về vấn đề này, VCCI cho rằng thông qua việc phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp có uỷ quyền và không có uỷ quyền, Thông tư 20 đã gián tiếp buộc người tiêu dùng chỉ được mua hàng hoá với một lượng doanh nghiệp nhất định, gây hạn chế cạnh tranh.

Đồng thời, với hành vi trao quyền cho nhà sản xuất có thể ngăn cản người khác nhập khẩu sản phẩm của mình thông qua việc không cấp giấy ủy quyền cho thương nhân khác, Thông tư 20 đã giúp nhà sản xuất dễ dàng thực hiện một hành vi đi ngược lại với mục đích của luật sở hữu trí tuệ.

Không chỉ thế, đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thông tư 20 cũng “hạn chế khả năng gia nhập thị trường, kinh doanh” của họ.

Xem video: Đại gia Việt gây choáng khi chi ngàn tỷ mua xe hơi

Từ đó, VCCI kết luận “bãi bỏ Thông tư 20 có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước”.

Lấy dẫn chứng đã từng có nhiều trường hợp báo chí phản ánh rằng muốn mua xe ô tô thì phải ký hợp đồng và đặt cọc tiền mà không biết khi nào mới được nhận xe, VCCI cho hay mở rộng cạnh tranh luôn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Cạnh tranh sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ đi kèm bán hàng.

Cuối cùng, theo VCCI sự tồn tại của Thông tư 20 là bệ đỡ cho sự thất bại của mục tiêu nội địa hóa.“Do lợi nhuận từ việc nhập khẩu xe ô tô tăng cao nên có thể sẽ tạo động lực khiến các liên doanh tập trung vào nhập khẩu thay vì nỗ lực sản xuất và nội địa hóa” - VCCI nhấn mạnh.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn