Hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, CLB Hà Nội thông báo Đoàn Văn Hậu gặp đa chấn thương trong một buổi tập của đội bóng. Cụ thể, anh bị giãn phù dập dây chằng chéo trước, chéo sau, cơ gân khoeo và sừng trước sụn chêm. Thông báo của CLB Hà Nội thời điểm trên cho biết, Văn Hậu không va chạm với đồng đội nào trên sân.
Do chấn thương nói trên, Văn Hậu đã phải nghỉ thi đấu gần hết mùa giải và chỉ trở lại từ ghế dự bị ở trận đấu của CLB Hà Nội với Sài Gòn FC, vòng 6 LS V-League 2020. Hậu vệ sinh năm 1999 chơi ở mức tròn vai. Đây được nhiều người chờ đợi là thời điểm đánh dấu sự trở lại của Văn Hậu trong màu áo đội bóng chủ sân Hàng Đẫy.
Mới nhất, HLV Park Hang Seo cũng đã điền tên Văn Hậu vào danh sách tập trung đội tuyển Việt Nam ngày 6/12 tới để chuẩn bị cho trận đấu với Malaysia tại Vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Do dịch COVID-19, ông Park đã rơi vào cảnh nhàn nhã gần cả năm qua và đây mới là đợt tập trung đầu tiên của tuyển Việt Nam trong năm 2020.
Tuy nhiên ở buổi tập hôm 30/11, Văn Hậu tiếp tục tái phát chấn thương. Thông báo của CLB Hà Nội hôm qua cho biết, anh bị tổn thương sụn chêm và sẽ phải nghỉ tập luyện, thi đấu trong 3 tháng. Văn Hậu sẽ không thể tập trung cùng đội tuyển Việt Nam ngày 6/12 tới. CLB Hà Nội nói đây là quyết định cần thiết với Văn Hậu.
Một quan chức Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hôm qua cho biết, tùy thuộc yêu cầu của HLV Park Hang Seo hoặc mong muốn của CLB Hà Nội và Văn Hậu, anh có thể vẫn được lên tuyển để tiện kiểm tra, đánh giá mức độ chấn thương. Ở thời điểm Văn Hậu chấn thương hồi tháng 9, ông Park đã khá lo lắng và do đó, Văn Hậu đã được bác sĩ Choi Ju Young đích thân kiểm tra.
Đã có quan điểm về việc Văn Hậu nên được đưa đi Hàn Quốc phẫu thuật. Mặc dù vậy, rốt cuộc CLB Hà Nội và Văn Hậu đã chọn cách chữa trị tại Việt Nam, một phần do dịch COVID-19 khiến việc di chuyển quốc tế không thuận lợi.
Điểm chung ở cả hai lần chấn thương của Văn Hậu là anh đều không gặp va chạm nào. Điều này đặt ra những câu hỏi xung quanh quá trình điều trị chấn thương cho Văn Hậu, phương pháp điều trị cũng như mức độ chấn thương thực tế ra sao.
Một trường hợp khác gặp chấn thương cũng dai dẳng ở CLB Hà Nội là trung vệ Trần Đình Trọng. Đình Trọng bị chấn thương dây chằng đầu gối ở trận đấu của CLB Hà Nội với HAGL tại V-League 2019. Tình huống dẫn tới chấn thương của Đình Trọng cũng bất ngờ, khi không xảy ra ra va chạm nào lớn.
Sau 2 lần phẫu thuật, Đình Trọng vẫn chưa bình phục hoàn toàn và tới tháng 8 vừa qua, anh được CLB Hà Nội âm thầm cho tiến hành phẫu thuật lần thứ 3 tại TP Hồ Chí Minh. Quá trình phẫu thuật được CLB Hà Nội và Đình Trọng giữ kín, chỉ bất ngờ bị hé lộ.
Sau thành công ở VCK U23 châu Á 2018, các trụ cột của HLV Park Hang Seo liên tục chấn thương nặng, trong đó 6 trường hợp gặp vấn đề về dây chằng chéo. Đây là loại chấn thương ám ảnh đối với các cầu thủ bóng đá. Liệu việc phải thi đấu quá tải hay phương pháp điều trị hoặc quá trình trị liệu sau phẫu thuật của những trường hợp như Đình Trọng hay Văn Hậu đã ảnh hưởng tới tốc độ bình phục chấn thương?
Bình luận