Mới đây, ý kiến đề xuất thành lập Bộ Du lịch đã và đang thu hút được sự quan tâm của dư luận. Là người đề xuất ý tưởng trên, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch đã phân tích rõ hơn về vấn đề này trong bài viết gửi VTC News dưới đây.
Tiềm năng nhiều, rào cản lớn
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả phát triển ấn tượng. Từ năm 2011 đến 2016, du lịch nội địa tăng từ 30 triệu lên 62 triệu lượt du khách (vượt mục tiêu Quyết định 201 đề ra cho năm 2025 là 58 triệu lượt du khách); du lịch quốc tế tăng từ 6 triệu lên 10 triệu lượt du khách (bằng mục tiêu năm 2020 theo Quyết định 201).
Trong cùng giai đoạn, tổng thu từ khách du lịch tăng từ 130.000 tỷ đồng lên 400.000 tỷ đồng. Nếu so với thời điểm năm 2000, doanh thu du lịch năm 2016 đã tăng 23 lần. Ngành du lịch đang tạo ra khoảng 2,8 triệu việc làm (năm 2015), chiếm 5,2% lực lượng lao động cả nước.
Việc chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta không có gì phải bàn cãi, có chăng có chút tiếc nuối giá như điều này xảy ra sớm hơn!
Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch. Đó là những thứ hạng khá cao.
Nghĩa là du lịch Việt Nam có lợi thế về tài nguyên (thiên nhiên, văn hóa), lĩnh vực này lại vừa sức người Việt Nam để có thể làm tốt (khác hẳn với các lĩnh vực khác mà nước ta hoặc không có lợi thế đáng kể về tài nguyên, hoặc quá sức người Việt Nam hiện tại, hoặc bị cả hai thứ đó, có cố làm cũng không có nhiều cơ hội thành công).
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, về tổng thể tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn yếu, được WEF xếp thứ 67/136 nền du lịch được xếp hạng.
Với 10 triệu lượt du khách quốc tế đạt được trong năm 2016, Việt Nam vẫn đang thua kém các điểm đến du lịch quốc tế trong khu vực khá xa: Thái Lan (32,6 triệu, thứ hạng cạnh tranh toàn cầu: 34), Malaysia (26,8 triệu, thứ hạng cạnh tranh: 26), Singapore (16,4 triệu, chỉ là một thành phố, thứ hạng cạng tranh: 13), Hong Kong (26,7 triệu, chỉ là một thành phố, thứ hạng cạnh tranh: 11).
So với Campuchia, mặc dù thứ hạng cạnh tranh du lịch của họ xếp thứ 101/136, thấp hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng cũng có những điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Là một nước với dân số chỉ hơn 15 triệu người (bằng 1/6 dân số nước ta), năm 2016 họ đã đón 5 triệu du khách quốc tế, bằng 1/2 lượng du khách quốc tế vào Việt Nam (nói nôm na, mức độ tiếp xúc với du khách quốc tế của người Campuchia cao gấp 3 lần người Việt Nam).
Những lợi thế về tài nguyên và nguồn nhân lực du lịch Việt Nam bị kìm hãm, thậm chí bị vô hiệu hóa bởi nhiều “nút cổ chai”.
Mức độ cởi mở quốc tế: xếp thứ 73; sự quan tâm, ưu tiên phát triển du lịch: thứ 101; nền tảng tin học: thứ 80; môi trường sạch sẽ, an toàn: thứ 82; phát triển bền vững (bảo tồn thiên nhiên): thứ 129; môi trường kinh doanh: thứ 68; hạ tầng sân bay: thứ 61; giao thông mặt đất: thứ 71; hạ tầng dịch vụ du lịch: thứ 113; an toàn, an ninh đối với du khách: thứ 57.
Tái cơ cấu đồng bộ, cải thiện chính sách về du lịch
Thứ hạng 113/136 về hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam cho thấy các sản phẩm của du lịch Việt Nam còn nghèo nàn. Trong các dịch vụ du lịch được coi là tốt đối với du khách nội địa, quốc tế, chưa có cái gì là quá nhiều, quá thừa để phải bớt đi.
Như vậy, tái cơ cấu các sản phẩm du lịch, về thực chất là tìm xem có thể đầu tư phát triển thêm những dịch vụ du lịch nào, ở đâu, ở quy mô nào. Để làm điều đó, cần so xét vào các phân mảng du lịch càng chi tiết càng tốt.
Việt Nam cần phải quản lý điểm đến du lịch sạch, an toàn và thân thiện hơn. Cần ban hành quy chuẩn và giám sát thực hiện quy chuẩn về số lượng, chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch như một nội dung quan trọng.
Cần có những biện pháp giải quyết dứt điểm nạn ăn xin, đeo bám, lừa đảo du khách (lấy Đà Nẵng làm chuẩn mực và nơi học hỏi kinh nghiệm cho cả nước).
Để thực hiện hiệu quả mảng công việc này, Chính phủ cần sớm xây dựng, ban hành bộ chỉ số đánh giá, tổ chức đánh giá và hàng năm công bố bảng xếp hạng “Điểm du lịch sạch, an toàn, thân thiện” cho từng địa phương (tỉnh) và từng điểm du lịch thuộc địa phương như chỉ số năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần cải thiện chính sách visa du lịch. Muốn có nhiều khách đến thăm nhà thì nhà mình phải dễ đến; muốn có nhiều khách hàng đến chỗ mình mua hàng, tiêu tiền thì chỗ mình phải dễ đến.
Với quan điểm đó, Việt Nam hiện đang miễn visa du lịch cho công dân 23 nước, ít hơn nhiều so với Thái Lan (miễn cho 61 nước), Malaysia (miễn cho 155 nước), Singapore (miễn cho 157 nước).
Các hình thức Visa Online, Visa On Arrival của nước ta so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực cũng hạn chế hơn.
Chi quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài từ ngân sách nhà nước trong những năm qua chỉ ở mức 1,5-2,5 triệu USD/năm, quá nhỏ so với hoạt động này của các nước trong khu vực (năm 2015, Thái Lan chi 86 triệu USD, Singapore: 100 triệu USD, Malaysia: 130 triệu USD).
Trong bối cảnh đó, vì lợi ích kinh doanh của mình, một số doanh nghiệp hàng không, du lịch buộc phải dành một phần đáng kể ngân sách marketing cho việc quảng bá điểm đến Việt Nam (bên cạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu và các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp), trong đó phải kể đến vai trò, đóng góp rất lớn của Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, nếu tính cả chi quảng bá điểm đến Việt Nam của các doanh nghiệp hàng không, du lịch, mức chi quảng bá du lịch Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực.
Ngành du lịch Việt Nam cũng chưa mở được văn phòng tiếp thị nào ở nước ngoài để tăng cường tiếp thị du lịch, trong khi Thái Lan có tới 27 văn phòng ở nước ngoài.
Với kế hoạch của Chính phủ thành lập Quỹ phát triển du lịch Việt Nam theo mô hình hợp tác công – tư (PPP), cơ quan quảng bá du lịch quốc gia nên được thành lập trực thuộc Quỹ này.
Ngoài nguồn ngân sách hằng năm từ Quỹ, cơ quan quảng bá du lịch quốc gia có thể và nên hợp tác đồng tổ chức, đồng tài trợ các hoạt động, chiến dịch quảng bá với các doanh nghiệp hàng không, du lịch, qua đó tạo sự cộng hưởng hiệu quả trong các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam.
Cần thành lập Bộ Du lịch
Phát triển cơ sở lưu trú cũng đang là bài toán khó đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam hiện nay.
Trong tổng số 21.000 cơ sở lưu trú trên cả nước tính đến cuối năm 2016, số lượng các cơ sở từ 3-5 sao chiếm tỷ trọng rất nhỏ: 784 cơ sở (3,7% tổng số cơ sở lưu trú), với 91.250 buồng (chiếm 21,7% tổng số buồng tất cả các hạng).
Vào thời điểm cuối năm 2017, tổng số buồng các cơ sở lưu trú 3-4-5 sao đạt gần 100.000 buồng, trong đó mỗi loại 3 sao, 4 sao, 5 sao chiếm khoảng 1/3.
Để vừa đạt các mục tiêu tăng trưởng du lịch về số lượng, vừa cải thiện doanh thu bình quân từ mỗi khách du lịch nội địa, quốc tế, cần đầu tư xây dựng thêm các cơ sở lưu trú 3-4-5 sao.
Tuy nhiên, đây là bài toán không dễ vì hạn chế quỹ đất ở nội đô các thành phố và ở các khu du lịch có thương hiệu.
Một số địa phương đang có một số lượng nhà nghỉ của các ngành, tổ chức. Hầu hết các cơ sở này được xây dựng từ thời bao cấp, có vị trí tốt, diện tích đất thường khá lớn, nhưng chất lượng công trình kém, hệ số sử dụng đất thấp, dịch vụ lưu trú không chuyên nghiệp.
Nên khuyến khích tư nhân hóa các nhà nghỉ này để phát triển các cơ sở lưu trú có chất lượng công trình cao, dịch vụ chuyên nghiệp.
Để giảm thiểu sự xung đột giữa phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên, nhà nước cần rà soát, hoàn thiện các quan điểm và xây dựng, ban hành bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững (dựa trên các chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là của các quốc gia làm tốt việc này) để làm cơ sở cho việc đánh giá tính phù hợp (hoặc không phù hợp) của các phương án quy hoạch nói chung và các dự án đầu tư du lịch nói riêng.
Hoàn thiện thể chế để người dân và giới khoa học tích cực tham gia phản biện quy hoạch, dự án và giám sát tuân thủ trong quá trình thực hiện.
Với việc chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và các mục tiêu phát triển du lịch được đề ra tại Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, ngành du lịch đang hướng tới một vai trò, vị trí lớn hơn nhiều trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, với đóng góp GDP và tỷ trọng việc làm tạo ra lớn hơn nhiều ngành khác.
Để ngành du lịch Việt Nam phát triển hiệu quả hơn, việc nâng cấp quản lý nhà nước về du lịch lên cấp Bộ có thể là một vấn đề đáng để xem xét trong bối cảnh việc này đã được thực hiện tại nhiều nước trong khu vực.
Du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với vai trò ngày càng cao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhưng để hiện thực hóa được các tiềm năng, cơ hội đó thì phải có những nỗ lực, quyết tâm cải cách rất lớn và không chỉ trong phạm vi ngành du lịch.
Video: Theo chân Đại sứ Mỹ khám phá hang Sơn Đoòng
Bình luận