• Zalo

Vì sao Trump kích động người biểu tình nhưng không ai ngăn cản?

Tư liệuThứ Năm, 07/01/2021 11:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

TS Phạm Cao Cường cho rằng, ông Trump hiện là tổng tư lệnh, người đảm bảo an ninh cho nước Mỹ, việc ông kêu gọi biểu tình ôn hòa được luật pháp Mỹ cho phép.

Nhận định về việc ông Trump xúi giục, kêu gọi người biểu tình tập trung ở Washington, khiến bạo loạn bùng phát và đám đông xông vào tòa nhà Quốc hội hôm 6/1, TS Phạm Cao Cường (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ - Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam) cho rằng, ông Trump kêu gọi biểu tình ôn hòa, được luật pháp Mỹ cho phép.

“Ông Trump chỉ kêu gọi biểu tình ôn hòa, song số lượng người biểu tình đông, trong đó có các phần tử quá khích. Điều đó khiến người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ, gây cản trở cuộc họp của lưỡng viện. Luật pháp Mỹ quy định rõ, biểu tình có kế hoạch, được cấp phép thì có thể diễn ra”, TS Phạm Cao Cường cho hay.

“Trên thực tế, ông Trump hiện vẫn là tổng tư lệnh, người đảm bảo an ninh cho nước Mỹ. Ông vẫn nắm quyền kiểm soát, điều khiển được quân đội. Đến ngày 20/1, ông mới hết quyền lực”, chuyên gia Phạm Cao Cường nói.

Vì sao Trump kích động người biểu tình nhưng không ai ngăn cản? - 1

TS Phạm Cao Cường cho rằng, ông Trump hiện là tổng tư lệnh - người đảm bảo an ninh cho nước Mỹ, việc ông kêu gọi biểu tình ôn hòa được luật pháp Mỹ cho phép.

Theo TS Phạm Cao Cường, ông Trump đang muốn tạo ra sự bất ổn, không công nhận kết quả và không để tiến trình bầu cử Mỹ diễn ra theo đúng quy định, ngày 20/1 sẽ là ngày nhậm chức Tổng thống Mỹ.

“Theo quy định, trong trường hợp bầu cử nước Mỹ gây tranh cãi, không xác định được Tổng thống, Phó Tổng thống, thì quả bóng bầu cử được đẩy sang Quốc hội. Trong trường hợp Quốc hội Mỹ không phê chuẩn được kết quả bỏ phiếu của đại cử tri, rõ ràng ngày nhậm chức Tổng thống rất khó xẩy ra. Đó có thể là lý do mà ông Trump tìm mọi cách ngăn kết quả xác nhận kiểm phiếu Quốc hội, ngăn ông Biden nhậm chức ngày 20/1”, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích.

Bên cạnh đó, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ cũng cho rằng, đây là lời cảnh báo của ông Trump, ông có thể thực hiện các biện pháp mạnh tay khác nếu các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ không thực hiện hết trách nhiệm.

Vì sao Trump kích động người biểu tình nhưng không ai ngăn cản? - 2

pham-cao-cuong.jpg

Vụ bạo loạn diễn ra tại tòa nhà Quốc hội Mỹ phản ánh hình ảnh nước Mỹ méo mó, khiến cho nhiều người mất niềm tin vào một quốc gia vốn được xem là có thể chế dân chủ hàng đầu trên thế giới.

TS Phạm Cao Cường

“Ông Trump cho rằng, bầu cử chưa kết thúc, có gian lận bầu cử mà chưa được giải quyết. Ông Trump xem đây là sức ép, cảnh báo nếu không xem xét cuộc bầu cử vừa qua một cách nghiêm túc sẽ có bất ổn trong tương lai. Từ nay đến 20/1 còn là quãng thời gian dài.

Ông Trump kêu gọi biểu tình nhiều ngày nay để gây sức ép Quốc hội Mỹ. Không ngoại trừ ông Trump đang tính đến khả năng thiết quân luật. Nếu Quốc hội không xem xét nghiêm túc kiến nghị của ông Trump thì ông có thể thiết quân luật theo đạo luật ký năm 2019", chuyên gia chia sẻ.

Chuyên gia Phạm Cao Cường cho rằng, sự việc diễn ra ngày 6/1 khi người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ khi đang họp để xác nhận kết quả bỏ phiếu cử tri đoàn gây bất ngờ cho dư luận và các nhà quan sát quốc tế, cho thấy sự mâu thuẫn, bất ổn sâu sắc trong chính nội tại nước Mỹ.

“Trong lịch sử Mỹ chưa từng có sự kiện nào như thế. Cuộc bạo loạn này tạo ra tâm lý, cú sốc đối với những người yêu nước Mỹ hay coi nước Mỹ là miền đất hứa. Từ cuộc bạo loạn này có thể thấy, trong một nền dân chủ, kể cả siêu cường như Mỹ hiện vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề. Đằng sau sự thành công, nước Mỹ còn có rất nhiều lỗ hổng từ hệ thống chính trị, luật pháp và kể cả trong quy định bầu cử”, TS Phạm Cao Cường cho hay.

Theo chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu châu Mỹ, vụ bạo loạn diễn ra tại tòa nhà Quốc hội Mỹ phản ánh hình ảnh nước Mỹ méo mó, khiến cho nhiều người mất niềm tin vào một quốc gia vốn được xem là có thể chế dân chủ hàng đầu trên thế giới.

“Hành động người dân tràn vào tòa nhà Quốc hội, người dân bị bắn chết, Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ đeo mặt nạ, được sơ tán ra ngoài… cho thấy đây không phải là nước Mỹ mà giống như hình ảnh mà Mỹ thường chỉ trích về bất ổn tại các nước trước đây. Điều đó khiến nhiều người am hiểu về Mỹ mất đi thiện cảm đối với nước Mỹ - quốc gia được cho là có thể chế dân chủ hàng đầu”, ông Phạm Cao Cường chia sẻ.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp