Video: Tòa xét xử vụ phụ huynh kiện Trường Quốc tế Singapore
Ngày 4/6, HĐXX TAND quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Tuấn (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) đối với Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (chi nhánh Công ty Cổ phần Kinder World Việt Nam).
Theo nội dung đơn khởi kiện, con trai ông Nguyễn Văn Tuấn là cháu N.X.B. (7 tuổi) theo học tại Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng từ cấp mẫu giáo và cháu B. chuẩn bị lên cấp tiểu học.
Ngày 26/5/2019, ông Tuấn đăng ký 2 loại văn bản về cung cấp dịch giáo dục do nhà trường soạn sẵn để đăng ký nhập học cho cháu. Trong văn bản có nội dung đề cập đến các khoản phí bắt buộc gồm phí đặt cọc 8 triệu đồng và học phí 220 triệu đồng/năm.
Không đồng ý với khoản phí đặt cọc của nhà trường đưa ra, ngày 30/5/2019 ông Tuấn có đơn khiếu nại gửi UBND, Sở Giáo dục-Đào tạo, Thanh tra sở GD-ĐT Đà Nẵng để khiếu nại về khoản phí đặt cọc này.
Đến ngày 24/7/2019, nhà trường ra thông báo sẽ ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục cho cháu B. nếu ông Tuấn không chấp nhận khoản tiền đặt cọc này, đồng thời yêu cầu ông làm đơn xin rút tiền để nhận lại số tiền ông đã nộp (học phí và phí đặt cọc) cho cháu B. trước đó.
Tại phiên tòa, nguyên đơn đề nghị tòa xem xét buộc bị đơn thực hiện các nội dung: Tiếp tục thực hiện cung cấp dịch vụ giáo dục cho cháu B. trong năm học 2019 - 2020; Hoàn trả số tiền phí đặt cọc là 8 triệu đồng; Bồi thường thiệt hại số tiền 299 triệu đồng do hành vi ngưng cung cấp dịch vụ giáo dục khiến cháu B. phải học trường khác; Yêu cầu nhà trường bồi thường tổn thất tinh thần cho nguyên đơn và cháu B.
Tại phiên tòa, ông Tuấn cho rằng việc nhà trường đơn phương ra thông báo chấm dứt cung cấp dich vụ giáo dục cho cháu B. là rất thiếu thiện chí và mang tính áp đặt, trong khi đây là thỏa thuận dân sự…
Việc thu tiền cọc là trái quy định, có dấu hiệu chiếm dụng vốn vì với hàng trăm học sinh thì số tiền đó sẽ rất lớn được nhà trường giữ trong suốt thời gian học sinh học thì sẽ là nguồn sinh lời.
Đại diện Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng cho rằng, khoản phí 8 triệu đồng bắt buộc là tiền để đảm bảo nghĩa vụ tài chính phát sinh, đề phòng trong quá trình học tập học sinh làm hư hỏng trang thiết bị của trường. Số số tiền này sẽ hoàn trả cho phụ huynh khi kết thúc hợp đồng.
Còn việc chấm dứt hợp đồng là vì ông Tuấn đã không đồng ý với khoản tiền đặt cọc này nên nhà trường phải chấm dứt hợp đồng.
Xem xét tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và tranh luận tại tòa, HĐXX xác định, việc ký hợp đồng về cung cấp dịch vụ giáo dục giữa ông Tuấn và Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (chi nhánh Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam) là thỏa thuận dân sự do hai bên tự nguyện.
Theo HĐXX, việc ký kết các điều khoản hợp đồng phù hợp với nội dung Công văn ngày ngày 17/7/2019. Trước khi cháu B. nhập học, bà Phạm Anh Thư (mẹ cháu B.) đã ký cam kết chấp nhận các điều kiện nhập học và các khoản tiền mà phụ huynh phải chi trả cho việc học tập của con mình trong suốt quá trình học tập tại trường.
Số tiền đặt cọc nhằm đảm bảo kịp thời chi trả các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong quá trình học của học sinh và sẽ được hoàn trả lại cho phụ huynh sau khi học sinh thôi học tại trường và sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính.
Đối với yêu cầu của ông Tuấn buộc Công ty cổ phần Kinder World Việt Nam tiếp tục cung cấp dịch vụ giáo dục là không có căn cứ. Bởi thực tế trước đó ông Tuấn đã ký ý kiến là không đồng ý với khoản phí đặt cọc rồi gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng. Do vậy, việc ký kết các văn bản giữa gia đình ông Tuấn và Công ty cổ phần Kinder World Việt Nam chưa được thực hiện.
Sau khi chấp dứt việc học của cháu B., Công ty cổ phần Kinder World Việt Nam đã nhiều lần chuyển lại số tiền ông Tuấn đã nộp cho nhà trường nhưng ông Tuấn không chấp nhận và chuyển trả lại nên việc ông yêu cầu Công ty cổ phần Kinder World trả lại tiền đặt cọc và bồi thường tiền tổn thất là không cơ sở để chấp nhận.
Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên bác đơn khởi kiện gồm các yêu cầu của ông Tuấn: Yêu cầu trường tiếp tục cung ứng dịch vụ; Đòi lại tiền cọc và yêu cầu bồi thường tiền thiệt hại hợp đồng giữa ông Nguyễn Văn Tuấn và Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam.
Sau phán quyết của HĐXX TAND quận Ngũ Hành Sơn, ông Tuấn cho rằng tòa bác đơn khởi kiện là không thỏa mãn các căn cứ pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên làm đơn kháng cáo.
Bình luận