Chiều 23/4, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin về vấn đề dừng tuyển sinh hệ song bằng lớp 6 vào các trường THCS năm học 2021- 2022 được dư luận quan tâm những ngày qua.
Lý do dừng tuyển sinh
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm 2018, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án thí điểm triển khai thực hiện chương trình đào tạo song bằng THCS tại Hà Nội. Đề án thí điểm trong 6 năm từ 2018 đến 2024.
Đề án có lộ trình cụ thể như sau:
Năm học 2018- 2019 thực hiện tuyển sinh mới lớp 6.
Năm học 2019- 2020 tuyển sinh mới lớp 6 và dạy tiếp học sinh được lên lớp 7.
Năm học 2020- 2021 tuyển sinh mới lớp 6 và dạy tiếp học sinh được lên lớp 7, 8.
Năm học 2021- 2022 dạy tiếp học sinh được lên lớp 7, 8, 9; không tuyển mới học sinh lớp 6.
Năm học 2022- 2023 dạy tiếp học sinh được lên lớp 8, 9.
Năm học 2023- 2024 dạy tiếp học sinh được lên lớp 9 và đánh giá toàn bộ đề án.
Sau 3 năm triển khai, đến nay Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường không tuyển mới học sinh lớp 6 từ năm học 2021- 2022. Việc dừng này hoàn toàn theo tiến trình thời gian quy định trong đề án được UBND thành phố phê duyệt năm 2018. Sở đã xin ý kiến và được sự đồng ý từ UBND thành phố.
Trước lo ngại thừa giáo viên khi dừng tuyển sinh chương trình song bằng lớp 6 ở các trường THCS, ông Tiến cho biết, 100% giáo viên đều là hợp đồng, không biên chế. Do đó khi dừng chương trình đào tạo hệ song bằng THCS sẽ không làm ảnh hưởng đến việc làm và sắp xếp vị trí giáo viên giảng dạy sau đó.
Đồng thời, phó giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho biết, học sinh theo học hệ song bằng vẫn phải đảm bảo hoàn thành đầy đủ các kiến thức bậc THCS do Bộ GD&ĐT quy định. Do đó, sau khi tốt nghiệp THCS thì các em học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn theo học chương trình THPT đại trà hoặc tiếp tục thì vào các hệ song bằng ở trường THPT. Hoàn toàn không có chuyện khó khăn khi các em chuyển cấp học.
Bất ngờ dừng tuyển sinh?
Từ năm học 2018 - 2019, Hà Nội thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại 7 trường THCS gồm: Chu Văn An, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên, Thanh Xuân và hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Mỗi trường tuyển hai lớp với 50 học sinh.
Năm học 2020 - 2021, 350 học sinh đầu tiên của hệ này sẽ tốt nghiệp THCS và chuẩn bị thi vào lớp. Tuy nhiên, trong năm học 2021- 2022, Hà Nội chỉ triển khai chương trình song bằng tú tài, học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level) tại hai trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Mỗi trường tuyển 50 học sinh.
Như vậy, 250 học sinh từng học thí điểm song bằng ở cấp THCS sẽ không có chỉ tiêu ở cấp THPT. Đồng nghĩa các em phải chuyển đổi sang mô hình học đại trà giống như các học sinh khác.
Cùng với đó, phụ huynh hoang mang trước thông tin chương trình này sẽ dừng tuyển sinh ở lớp 6 từ năm học tới.
Trong khi đó, để tuyển sinh vào lớp 6 với chương trình này, phụ huynh phải cho con ôn luyện cả năm vì phương thức tuyển đầu vào rất khắt khe. Quá trình học cũng đặt yêu cầu rất cao. Học sinh phải làm bài kiểm tra đầu ra theo tiêu chuẩn Cambridge.
Đây là chương trình từng được coi là "chất lượng ngoại" nhưng "học phí nội", nên thu hút khá nhiều phụ huynh chạy đua cho con được vào học.
Trước đó một tuần, trong hướng dẫn tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2021 -2022, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn đề cập nội dung tuyển sinh song bằng.
Việc dừng tuyển sinh khiến nhiều phụ huynh sẽ phải thay đổi lựa chọn cho con ngay trong mùa tuyển sinh năm nay.
Chương trình đào tạo song bằng tú tài là chương trình đào tạo giáo dục mà sau khi kết thúc chương trình học, các em học sinh sẽ được cấp bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc với chứng chỉ A-level.
Chương trình đào tạo giáo dục được thí điểm từ năm học 2017 - 2018 tại trường THPT Chu Văn An và các trường THCS và THPT khác trên địa bàn Hà Nội.
Bình luận