Đóng góp ý kiến cho hội thảo quốc tế “Tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho thanh niên và sinh viên Việt Nam sau tốt nghiệp” ngày 23/10, nhiều giảng viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương (Hà Nội) thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khiến số sinh viên ra trường không có việc làm tăng cao.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và đến đầu năm 2017 Việt Nam có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Ngoài những lý do xuất phát từ sinh viên như không định hướng nghề nghiệp rõ ràng, không chủ động trong học tập, hạn chế về ngoại ngữ hay thiếu kỹ năng mềm, cơ sở đào tạo cũng phải chịu trách nhiệm.
Nhà trường không kết nối với doanh nghiệp
Ông Đỗ Việt Hùng nhận định hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp giải quyết việc làm cho sinh viên. Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, sinh viên sẽ được đào tạo bằng kiến thức, kỹ năng thực tế thay vì lý thuyết suông, chất lượng đào tạo và đặc biệt là triển vọng việc làm nâng cao.
Tuy nhiên, hiện nay quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn là một chiều, chủ yếu thông qua các mối quan hệ cá nhân. Hai bên chưa có sự phối hợp chặt chẽ và cũng chưa có cơ quan nào đứng ra gắn kết, thúc đẩy. Hệ quả ngay trước mắt là không ít trường hợp gặp khó khăn khi liên hệ để tìm chỗ thực tập bởi doanh nghiệp cảm thấy bị làm phiền.
Phương SơnTheo ông Hùng, điều quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp là đôi bên cùng có lợi. "Để có thể kết nối với doanh nghiệp, nhà trường phải cho họ thấy họ được lợi gì? Chẳng hạn doanh nghiệp cần nhân lực thời vụ thì nhà trường có thể cung cấp. Trường cũng phải có kinh phí để trả cho doanh nghiệp khi gửi sinh viên thực tập, coi như học phí đào tạo mặc dù nhiều doanh nghiệp không yêu cầu", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng nguồn tài chính cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong nhà trường đang là rào cản lớn cho mối quan hệ này.
Chương trình đào tạo lỗi thời
Ông Phạm Hùng Cường khẳng định chương trình đào tạo ở hầu hết cao đẳng, đại học còn nhiều hạn chế, nội dung đào tạo chưa đi sâu vào thực tế chuyên ngành, các môn học đại cương và lý thuyết còn quá nặng trong khi điều quan trọng là phải rèn luyện kỹ năng làm việc cho sinh viên.
“Xã hội thay đổi hàng ngày kéo theo yêu cầu về nguồn nhân lực cũng thay đổi. Dường như các môn học trong chương trình đào tạo không còn phù hợp với đòi hỏi thực tế của thị trường. Các nhà quản lý đào tạo và nhà chuyên môn chưa năng động trong việc đổi mới chương trình", ông Cường nhận định.
Công tác định hướng nghề nghiệp không tốt cũng dẫn đến tình trạng làm trái ngành và thất nghiệp. Bà Nguyễn Thị Ân chỉ ra thực tế giáo dục hướng nghiệp ở hầu hết trường THCS chưa thực hiện được nhiệm vụ hướng dẫn và chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng đi vào ngành nghề đất nước hay địa phương đang cần mà mới giúp các em lấy chứng nghỉ nghề để cộng điểm khuyến khích (0,5 đến 1,5) khi thi tuyển sinh vào lớp 10.
Theo bà Ân, việc tư vấn nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo hiện không có sự tham gia của doanh nghiệp, phụ huynh. “Điều này dẫn đến tình trạng cha mẹ bảo một đằng, thầy cô khuyên một nẻo, học sinh đứng giữa ngã ba”, bà Ân đánh giá.
Video: Tại sao hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp trong khi CNTT vẫn thiếu người làm?
Vào bậc đại học, cũng do hướng nghiệp không phù hợp, nhiều em chọn sai ngành học. Ông Đào Đăng Phượng cho rằng ở Việt Nam, việc chọn nghề còn phụ thuộc nhiều vào quyết định của bố mẹ. Với tâm lý muốn che chở, bao bọc con, bố mẹ thường chọn những ngành "an toàn", mang lại danh tiếng như kỹ sư, bác sĩ hay những ngành "hot" mà không để ý đến đam mê, sở trường của con.
Thêm vào đó, nếp nghĩ truyền thống của cả phụ huynh và học sinh là thích làm "thầy" hơn làm "thợ". Điều này gây ra những rào cản trong quá trình hướng nghiệp.
Bình luận