Kỹ xảo "3 xu"
Theo Ifeng, kỹ xảo nghèo nàn là một trong những điểm yếu thường gặp ở các bộ phim truyền hình Trung Quốc. Phần lớn các cảnh quay hiện nay đều được dựng trên phông xanh và sẽ được hoàn thiện nhờ vào bàn tay của các chuyên gia hậu kỳ.
Lý giải về sự thất bại của việc áp dụng kỹ xảo trong phim truyền hình tại Trung Quốc, Sohu chỉ ra nguyên nhân chính phải kể đến việc thiếu kinh phí. Tài chính eo hẹp, trong khi chi phí cho việc chỉnh sửa hình ảnh quá cao khiến nhiều ê-kíp chọn cách làm qua loa cho có.
Trong khi đó, ở phim Hàn Quốc, những cảnh quay có sử dụng kỹ xảo luôn làm người xem cảm thấy mãn nhãn. “Xem phim truyền hình mà cứ như đang ngồi trong rạp xem bom tấn điện ảnh” là một trong những lời khen của khán giả dành cho các nhà làm phim xứ kim chi.
Dùng thế thân vô tội vạ
Cô Phương Bất Tự Thưởng là đỉnh điểm cho việc lạm dụng thế thân một cách không ai chấp nhận được. Dàn diễn viên đều là sao hạng A như Angela Baby, Chung Hán Lương,… được trả cát-xê ngất ngưởng, nhưng khán giả lại không đánh giá cao mức độ chuyên nghiệp của họ.
Không ít người “sốc” khi truyền thông đưa tin cả Angela Baby lẫn Chung Hán Lương chỉ có lịch quay chung 10 ngày trong khi họ là 2 nhân vật chủ chốt. Cư dân mạng hoang mang: “Rốt cuộc có bao nhiêu cảnh sử dụng thế thân và góc quay để ‘lừa gạt’ khán giả?”.
Yến Vân Đài từng được kỳ vọng là bộ phim cổ trang nổi bật nhất sau Diên Hi công lược khi sở hữu dàn diễn viên khủng gồm Đường Yên, Xa Thi Mạn, Đậu Kiêu,… Thế nhưng, ngay sau khi lên sóng, khán giả phải đánh giá 1-2 sao vì chất lượng phim quá tệ, hậu kỳ chỉnh sửa cẩu thả. Nữ chính Đường Yên cũng bị “bóc” sử dụng thế thân và photoshop quá đà.
Khác với Trung Quốc, phim Hàn Quốc thường được quay theo kiểu “cuốn chiếu”, quay đến đâu chiếu đến đó, vì vậy diễn viên phải làm việc với cường độ cao, có khi phải có mặt ở phim trường mười mấy tiếng một ngày. Bất chấp điều kiện làm việc khó khăn, nhiều diễn viên Hàn Quốc vẫn tự mình hoàn thành tốt các cảnh quay mà ít khi dùng đến người thế thân.
Diễn viên thiếu tâm huyết với vai diễn
Ở Hàn Quốc, trước khi bấm máy một bộ phim, đoàn diễn viên cùng với biên kịch và đạo diễn đều phải có một vài buổi ngồi lại với nhau cùng nghiên cứu kịch bản, diễn thử và tập thoại. Đối với phim truyền hình, dù là diễn viên hay idol “đá chéo sân” cũng đều phải tự thoại và thu âm trực tiếp, không có chuyện sử dụng lồng tiếng.
Trong khi đó, nhiều diễn viên Trung Quốc lại không cần đọc thoại vì đã có sẵn diễn viên lồng tiếng. Nếu tinh ý, nhiều người không còn lạ gì chuyện nhiều nhân vật khác nhau có chung một giọng nói trong phim Hoa ngữ.
Các đạo diễn và diễn viên gạo cội nổi tiếng Trung Quốc cũng đã nhiều lần lên tiếng phê phán tình trạng lớp diễn viên trẻ quá ỷ lại vào công nghệ lồng tiếng, không kính nghiệp mà chỉ coi trọng cát-xê.
“Tôi đã từng phải làm việc cùng một nữ diễn viên khi đóng phim không ghi nhớ lời thoại, sau khi bạn diễn nói hết lời thoại, cô ta liền nói 1, 2, 3, 4, 5… để thay thế (sau này lồng tiếng sau), thậm chí bản thân còn không chịu diễn thử, để trợ lý diễn thay” - Đạo diễn Kim Tinh từng lên án “cô đếm số” trên một talkshow truyền hình như thế.
Nữ diễn viên Lưu Đào xác nhận: “Trong một cảnh phim cổ trang, khi tôi diễn cặp với một hot girl thế hệ 8x đời cuối, cô ấy chỉ đứng bên cạnh đọc 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7... khiến tôi cảm thấy quá kinh khủng”.
Không thể phủ nhận những thành công mà điện ảnh Trung Quốc đã, đang gặt hái được. Thế nhưng, dựa trên những tiêu chuẩn so sánh trên, nhiều khán giả cũng phải tự hỏi: “Đến khi nào phim Hoa ngữ mới trở lại thời kỳ đỉnh cao?”
Bình luận