• Zalo

Vì sao Phạm Xuân Ẩn thành nhà tình báo huyền thoại?

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 25/09/2013 03:02:00 +07:00Google News

(VTC News) – Không mấy thích thú cái nghề 'chim mồi' này, nhưng cuối cùng, cơ duyên lại dẫn Phạm Xuân Ẩn đến với nghề tình báo.

(VTC News) – Không mấy thích thú cái nghề 'chim mồi' này, nhưng cuối cùng, cơ duyên lại dẫn Phạm Xuân Ẩn đến với nghề tình báo.

Cơ duyên đến với nghề tình báo

Phạm Xuân Ẩn cùng một thế hệ người Việt Nam tham gia cuộc cách mạng để chống lại nỗ lực sau chót và vô vọng của người Pháp nhằm giành lại quyền lực thực dân. Ẩn nhớ lại lúc mình đang ở Cần Thơ thì nghe tin ông Hồ đọc tuyên ngôn.

'Tôi rất phấn chấn. Tôi muốn tham gia chiến đấu vì đất nước, để đánh bại quân Pháp. Tôi chỉ là một trong số rất nhiều người như thế và đó là phản ứng tự nhiên'.


Lúc bấy giờ, lũ trẻ con như Ẩn thường phải dự lễ chào cờ trong trường, với lá cờ nước Pháp được thượng lên trước, sau đó mới đến cờ Việt Nam và các học sinh phải hát bài Maréchal, nous voilà bài hát phổ biến nhất của chính phủ Vichy có nội dung ca ngợi Thống chế Henri-Philippe Pétain. Dưới chế độ thực dân Pháp, người Việt Nam bị coi là đồ nhà quê (nhaques).

Là một chàng trai mới lớn, Ẩn không biết gì về Marx hoặc Lenin, nhưng cậu luôn mơ ước đất nước được độc lập và sự bất công mà thực dân đã áp đặt hàng chục năm qua chấm dứt.

Sinh năm 1927 tại làng Bình Trước ở tỉnh miền nam Đồng Nai, Ẩn thường cùng cha đi khắp nơi; cha ông là một viên chức đạc điền thường đưa con trai đi tới những vùng xa xôi hẻo lánh nhất của miền Nam, Việt Nam.

Thấy con không chuyên tâm học tập, người cha đã gửi Ẩn về sống với bà con tại Huế để cho cậu bé hiểu rõ thân phận của người giàu có và kẻ nghèo hèn.

Ẩn sống giữa những người nghèo khổ tại Huế, người ta nghèo đến nỗi phải dùng mỡ chuột để thắp đèn vì không có dầu.

Cậu cũng chứng kiến cảnh địa chủ Việt Nam xử tệ với các tá điền, và qua đó cậu trở nên cảm thông với những người bị tước đoạt. 'Đó là lý do tôi rất tôn trọng người Mỹ. Họ dạy tôi phải biết giúp kẻ hèn yếu', Ẩn nói.

Pham Xuan An
Phạm Xuân Ẩn thời thanh niên - Ảnh: Tư liệu 
Tháng 10 năm 1945, Ẩn rời trường trung học ở Cần Thơ và gia nhập lực lượng Việt Minh chuẩn bị vào rừng để đánh Pháp. Khi tàu chiến Pháp bắn phá Hải Phòng vào tháng 11 năm 1946, chiến tranh toàn diện đã nổ ra giữa Pháp và Việt Minh.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, ông Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: 'Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc.

Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sỹ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!' .
Pham Xuan An
Phạm Xuân Ẩn cầm biểu ngữ, bên phải trong đoàn sinh viên biểu tình - Ảnh: Tư liệu 
Nhưng rồi Ẩn đã không thể vác súng hay gậy để lao vào cuộc chiến này. Cậu buộc phải trở lại Sài Gòn vào năm 1947 để chăm sóc người cha đang bị bệnh lao rất nặng.

Tại đây, cậu trở thành người tổ chức các cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh nhằm phản đối người Pháp và sau này là người Mỹ.

Ẩn còn nhớ rất rõ một ngày vào tháng 3 năm 1950, khi chiến hạm USS Richard B. Anderson thăm Sài Gòn, mang theo hàng tiếp tế giúp quân Pháp chống lại Việt Minh. Cậu là một trong những người tổ chức các cuộc xuống đường phản đối chiếc tàu Mỹ neo đậu tại cảng Sài Gòn.

Sự nghiệp lãnh đạo biểu tình của Ẩn nhanh chóng kết thúc khi cấp trên trực tiếp là bác sỹ Phạm Ngọc Thạch nói với cậu rằng cách mạng có nhiệm vụ mới giao cho cậu.

Bác sỹ Thạch, một phụ tá thân cận từ rất sớm của Hồ Chí Minh, bảo Ẩn không được tham gia bất cứ cuộc xuống đường nào để tránh bị bắt hoặc bị chú ý.

Ẩn cảm thấy băn khoăn và thất vọng, trong lòng tự hỏi không biết cách mạng có nhiệm vụ gì mới cho mình. Ít lâu sau, Ẩn được triệu tập lên căn cứ Việt Minh tại Củ Chi ở phía bắc Sài Gòn và bác sỹ Thạch nói rằng cậu sẽ được tham gia lớp tình báo chiến lược đầu tiên của Việt Nam.

Ẩn không mấy thích thú cái nghề mà cậu coi là 'chim mồi' này. Nhưng trên đã quyết rồi. 'Cấp trên giao cho cậu nhiệm vụ này vì các đồng chí ấy hoàn toàn tin chắc rằng cậu sẽ làm tốt. Nhưng cậu cũng phải học hỏi nhiều'.

'Tôi không còn lựa chọn nào khác',
Ẩn nói với tôi. 'Đất nước giao cho tôi sứ mệnh mới. Không có gì phải thắc mắc cả. Đấy chính là lời giải thích cho công việc mới của tôi'.

Những hoạt động điệp báo đầu tiên

Hà Nội cử hai điệp viên vào Sài Gòn để huấn luyện Ẩn những điều cơ bản của công việc tình báo, nhưng chính công việc mới thực sự giúp Ẩn hoàn thiện kỹ năng.

Ban đầu, Ẩn làm nhân viên kế toán và thủ quỹ cho Công ty dầu mỏ Caltex nhưng sau đó được giao nhiệm vụ vào làm thanh tra cho hải quan Pháp, từ đây cậu chuyển các báo cáo về tình hình chuyển quân của Pháp cũng như việc Mỹ viện trợ cho Pháp.

Cậu cũng tìm cách nắm bắt mọi thứ liên quan tới các nhân vật tai to mặt lớn của Pháp và Mỹ tại Việt Nam. 'Tôi theo dõi và sau đó viết báo cáo, cũng không nhiều lắm', Ẩn kể.
Pham Xuan An
Phạm Xuân Ẩn (hàng đầu bìa phải) khi làm việc cho Hãng dầu mỏ Caltex - Ảnh: Tư liệu cá nhân của Phạm Xuân Ẩn
Ẩn nhanh chóng tập trung sự chú ý vào các nỗ lực ngầm được tiến hành để xây dựng một bộ máy mới và huấn luyện lực lượng cho quân đội Nam Việt Nam.

Phái bộ Cố vấn Quân sự Mỹ (MAAG) tại Sài Gòn đã được thành lập vào năm 1950 để 'giám sát việc triển khai chương trình hỗ trợ thiết bị quân sự cho lính lê dương Pháp chống lại Việt Minh trị giá 10 triệu đôla'.

Trong một giai đoạn ngắn, MAAG còn được giao nhiệm vụ giúp nâng cao năng lực của các đơn vị Quân đội Nam Việt Nam càng nhanh càng tốt.

Một nhóm cán bộ khung đã được thành lập với văn phòng trực thuộc MAAG để điều hành một tổ chức huấn luyện song phương với tên gọi là Chương trình Tư vấn và Huấn luyện Quân sự (TRIM).

Một trong những nhiệm vụ của TRIM là hỗ trợ và tư vấn cho các cơ quan quân sự của Việt Nam về xây dựng lực lượng vũ trang.

TRIM bao gồm 209 sỹ quan Pháp và 68 sỹ quan Mỹ (khi người Pháp ra đi thì có thêm 121 sỹ quan Mỹ nữa), không có ai trong số sỹ quan Mỹ nói được tiếng Việt và chỉ có chưa đầy mười người biết tiếng Pháp.

Ẩn học tiếng Anh từ những nhà truyền giáo ở Cần Thơ trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Sau đó, ông làm bạn với ngài Webster ở Đại sứ quán Anh tại Sài Gòn, người mỗi lúc rảnh rỗi lại dành hàng giờ luyện tiếng Anh với ông.

Rồi sau đó thì Ẩn làm việc chung với ông Newell nên đến thời điểm muốn đầu quân cho TRIM, ông đã là một trong những người Việt giỏi tiếng Anh nhất, khiến ông trở thành một tài sản quý giá đối với người Mỹ và Việt Nam, giúp ông thiết lập quan hệ với hàng chục người sau này sẽ trở thành tư lệnh quân đội Việt Nam Cộng hòa và những người Mỹ có nhiều ảnh hưởng.

Ẩn trở thành thành viên của Sư đoàn 25 Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào tháng 2 năm 1956, hoạt động ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông với nhiệm vụ chính là triệt phá cơ sở hạ tầng của Việt Minh.

'Trên thực tế, tôi phục vụ cho ba quân đội', ông Ẩn nói. 'Quân Pháp trong quá trình chuyển giao; là một hạ sỹ quan của Việt Nam Cộng hòa, nơi tôi giúp thiết lập sư đoàn bộ binh hạng nhẹ đầu tiên; và lực lượng vũ trang của Mặt trận Giải phóng'.

Khi Ẩn được thăng hàm lên tướng một sao vào năm 1990, ông đã nói với các lãnh đạo Đảng Cộng sản, 'tôi thân thiết với cả năm quân đội – quân Việt Minh, quân Pháp, quân Việt Cộng, quân Mỹ, và quân Việt Nam Cộng hòa – nên tôi đáng được năm sao. Tôi không nghĩ rằng họ hiểu ý hài hước của tôi'.
 
Ẩn nhớ về hai cố vấn người Mỹ cùng làm việc chung với một sự trân trọng đặc biệt. 'Họ là những người tốt muốn giúp đỡ nhân dân Việt Nam, và chúng tôi đã nói chuyện rất tâm đắc về đất nước của tôi.

Họ còn giúp tôi luyện tiếng Anh và sau đó còn dạy tôi hút thuốc đúng kiểu. Tôi chưa bao giờ biết rít thuốc và họ đã chỉ cho tôi, rồi cho tôi những điếu Lucky. Họ làm việc rất giỏi',
Ẩn kể lại với một nụ cười ấm áp.
Pham Xuan An
Phạm Xuân Ẩn (ngồi giữa) dự buổi tiệc xã giao buổi tối với các nhân viên cơ quan thông tin Pháp năm 1954 - Nguồn ảnh: Tư liệu cá nhân của Phạm Xuân Ẩn 
Phái bộ Huấn luyện Quân sự Hỗn hợp (CATO) thay thế TRIM vào tháng 4 năm 1956, và hoạt động như là ban phụ trách chiến dịch cho chỉ huy trưởng của MAAG, cơ quan kiểm soát tất cả các đơn vị chiến trường trực thuộc các trường và bộ chỉ huy của Việt Nam.

Ẩn chuyển từ TRIM sang CATO để phụ trách công tác xử lý tài liệu và thực hiện các cuộc phỏng vấn đối với sĩ quan Việt Nam Cộng hòa sắp đi Mỹ tham dự các khóa huấn luyện chỉ huy.

Trong số những người được Ẩn phỏng vấn có tổng thống tương lai của Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (lúc bấy giờ là trung tá), Tổng tham mưu trưởng tương lai Cao Văn Viên (thiếu tá), tướng và tư lệnh Quân đoàn 1 tương lai Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh tương lai của Thủy quân lục chiến Lê Nguyên Khang (đại úy).

'Tôi phụ trách lo thủ tục cho họ đi Mỹ và làm liên lạc giữa họ và gia đình, thông báo thời điểm họ trở về để gia đình đi đón. Qua những việc làm đó mà chúng tôi dần quen nhau', Ẩn kể với tôi.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Điệp viên học nghề báo, thẩm thấu văn hóa Mỹ

Trích đăng từ tập sách Điệp viên Hoàn hảo X6

Bình luận
vtcnews.vn