• Zalo

Vì sao phải nhường làn bên trái cho xe vượt?

Tư vấnThứ Hai, 30/09/2024 16:45:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Mục 3 điều 13 sử dụng làn đường, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.

Lý do nhường đường bên trái cho xe xin vượt là do bên trái là bên tài xế ngồi, dễ quan sát nhất và không có điểm mù. Cùng với đó, khi xe gặp sự cố đột ngột thì tấp vào lề phải an toàn hơn do làn bên phải chạy chậm hơn và đúng với quy định của Luật giao thông.

Theo điểm 3.52, Điều 3 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (Quy chuẩn 41:2019/BGTVT) nêu rõ: Vượt xe là tình huống giao thông mà xe đi sau vượt xe đi trước.

Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái (trừ các trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ). Xe đi tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải, khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về phần đường bên phải của phần xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định chỉ được vượt xe phía bên trái và vượt khi không có chướng ngại vật phía trước trên đường giao thông.

Theo quy định, xe chỉ được vượt trái. (Ảnh minh họa).

Theo quy định, xe chỉ được vượt trái. (Ảnh minh họa).

Như vậy, người điều khiển phương tiện xin vượt nên tạo cho mình những thói quen sau:

Không nên đi quá sát xe phía trước, điều này giúp góc quan sát rộng hơn, bạn có thể thấy rõ được phần đường phía trước xem có chướng ngại vật hay xe đi ngược chiều hay không;

Bật xi-nhan trái đồng thời bấm còi và nháy pha để xin vượt;

Không vượt ngay mà chờ một lúc để chắc rằng lái xe phía trước nhận được tín hiệu và ra hiệu cho vượt hoặc không;

Xem xét các điều kiện an toàn như: xe ngược chiều, độ thoáng của làn đường sắp đi vào, các chướng ngại vật khác;

Sau khi đủ các yếu tố an toàn, tiến hành vượt xe.

Khi vượt, phải tăng tốc độ của xe, vượt dứt khoát nhưng phải đảm bảo an toàn.

Sau khi vượt lên, khoan vào lại làn đường của mình, nhìn vào gương chiếu hậu bên phải thấy nếu có đủ khoảng cách an toàn đủ với xe vừa vượt, mới được điều khiển xe vào làn đường của mình, nhằm tránh tạt đầu xe vừa vượt. Lúc này có thể tắt xi-nhan và cho xe tiết tục hành trình.

Các trường hợp được phép vượt xe bên phải:

Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;

Khi xe điện đang chạy giữa đường;

Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

Các trường hợp không được vượt xe

Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:

Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ;

Trên cầu hẹp có một làn xe;

Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;

Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

PHẠM DUY(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn