Mới đây, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang công bố danh sách 151 trường hợp là cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Đáng chú ý, trong số 29 cán bộ, đảng viên phải kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm có bà Phạm Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang (vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh) phải thực hiện yêu cầu này là vì để "em chồng tác động nâng điểm thi cho con".
Còn em gái ông Vinh là bà Triệu Thị Giang (Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư) bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì "nhờ người khác tác động, nâng điểm thi cho cháu ruột" (thí sinh Triệu N.M., con gái vợ chồng ông Vinh, bà Hà), vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Về việc ông Triệu Tài Vinh không nằm trong danh sách các cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, bà Nguyễn Thị Tố Oanh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang) cho biết, hiện ông Vinh đã chuyển về làm Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương nên thẩm quyền thẩm tra, xác minh, xử lý thuộc về Trung ương.
Ông Vinh là Ủy viên Trung ương Đảng nên không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang và cũng không thuộc thẩm quyền của Tỉnh ủy Hà Giang.
Bà Nguyễn Thị Tố Oanh
"Ông Vinh là Ủy viên Trung ương Đảng nên không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang và cũng không thuộc thẩm quyền của Tỉnh ủy Hà Giang. Ông Vinh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý" - bà Oanh cho hay.
Bên cạnh đó, dư luận cho rằng vợ chồng ông Vinh, bà Hà "có thể biết" việc bà Giang tác động người khác để nâng điểm thi cho cháu mình nhưng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang chưa làm rõ được bản chất vụ việc.
"Sắp tới, vụ án này sẽ được đưa ra xét xử và trong quá trình đó các bị cáo sẽ khai mọi việc trước phiên tòa, nếu có tình tiết mới xuất hiện người nào trực tiếp nhờ nâng điểm cho con thì Ủy ban kiểm tra sẽ đề nghị xem xét lại trường hợp đó để kỷ luật.
Quan điểm của tỉnh về việc xem xét, xử lý, kỷ luật các cán bộ là hoàn toàn minh bạch, công khai, không có vùng cấm, và đảng viên nào vi phạm đến đâu xử lý đến đó, chỉ cần có đầy đủ bằng chứng chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của Đảng" - bà Oanh nói.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, vợ chồng bà Hà, ông Vinh "không biết việc nhờ vả và cũng không biết ai nâng điểm cho con mình".
Về việc bà Hà không biết con gái mình được tác động nâng điểm thi nhưng vẫn phải kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm, bà Oanh cho hay: "Khi sự việc được phát hiện ra, vợ chồng ông Vinh, bà Hà cũng không biết tại sao con mình được nâng điểm. Đến khi khởi tố vụ án hình sự, bị can Nguyễn Thanh Hoài khai ra thì vợ chồng ông Vinh, bà Hà mới biết con mình được nâng điểm như thế nào".
Bà Oanh cho biết thêm, ngoài ra, sau khi biết con mình được nâng điểm, bà Hà không báo cáo tổ chức Đảng nơi mình công tác về lý do con mình tại sao được nâng điểm.
Hành động của bà Hà làm ảnh hưởng đến uy tín của chồng, của bản thân bà Hà và nơi mình công tác, nên bị yêu cầu phải kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm tại Chi bộ và Đảng ủy của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang.
Là "nạn nhân" giống vợ ông Triệu Tài Vinh, bà Vương Ngọc Hà (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hà Giang) cũng bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm tại Chi bộ và Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh với lý do "mẹ đẻ bà Hà tác động để nâng điểm thi cho cháu" dù bà Hà "không hề hay biết" việc con mình được nâng điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Bà Oanh cho biết, trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Kiểm tra tỉnh phát hiện mẹ đẻ của bà Vương Ngọc Hà từng công tác trong ngành giáo dục của tỉnh (đã nghỉ hưu) tác động để nâng điểm cho cháu.
"Theo khai nhận của mẹ bà Hà, khi còn công tác có quen biết và làm việc với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài nên tác động để nâng điểm thi cho cháu còn không có bàn bạc trước với bà Hà. Chúng tôi đang tiếp tục thu thập các tài liệu, chứng cứ để kỷ luật mẹ bà Hà theo đúng quy định" - bà Oanh nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết thêm, thông báo của Ủy ban chỉ tóm tắt những phần chính nhất của các cán bộ, đảng viên bị xem xét, kỷ luật. Cùng với đó, đối với các trường hợp chưa đủ chứng cứ cơ quan này sẽ chờ kết quả xét xử của Tòa án và có những bước xử lý, kỷ luật tiếp theo.
Bình luận